Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội, do Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương làm Trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội Xuân năm 2025 tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông.
UBND TP. Hà Nội đã quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết năm 2025. |
Tại huyện Chương Mỹ, Đoàn đã trực tiếp kiểm tra điều kiện thực tế của Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Alishan (cơ sở sản xuất chế biến chân gà) tại thôn Phù Yên, xã Trường Yên. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 15 công nhân tham gia chế biến thực phẩm, tuy nhiên, cơ sở chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ khám sức khỏe của các công nhân.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ông Đặng Thanh Phong, đã chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót trong quy trình sản xuất tại cơ sở này. Cụ thể, quy trình sản xuất chưa được bố trí theo quy tắc một chiều; hệ thống cống rãnh chưa kín; tường, trần, nền còn ẩm mốc và thiếu kho bảo quản thành phẩm.
Về nguồn gốc chân gà, cơ sở cho biết nhập từ một công ty ở tỉnh Thái Bình. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình để truy xuất nguồn gốc. Nếu cơ sở không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, sẽ xử lý nghiêm. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đã lấy mẫu chân gà để kiểm định chất lượng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện Chương Mỹ, huyện hiện có hơn 3.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết 2025, huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành và đã kiểm tra được 160 cơ sở, phát hiện 10 cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện trang thiết bị, dụng cụ chưa bảo đảm, với tổng số tiền xử phạt gần 10 triệu đồng.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Vũ Cao Cương, đề nghị huyện Chương Mỹ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết, nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Tại quận Hà Đông, đoàn đã quyết định tạm dừng hoạt động một cơ sở sản xuất bánh kẹo do vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cơ sở bị tạm dừng là Công ty TNHH Thực phẩm Hải Việt, nơi ghi nhận nhiều tồn tại nghiêm trọng. Cơ sở vật chất tại đây đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà xưởng không được bảo dưỡng thường xuyên, mạng nhện phủ đầy khắp nơi và môi trường không đảm bảo vệ sinh.
Đoàn kiểm tra đã ghi nhận rằng cơ sở này đang sản xuất số lượng lớn bánh kẹo phục vụ dịp Tết, nhưng nhiều sản phẩm thành phẩm được đặt trực tiếp trên sàn nhà mà không có biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ ô nhiễm từ môi trường. Bên cạnh đó, người lao động không sử dụng quần áo bảo hộ, găng tay hay khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ông Đặng Thanh Phong, cho biết tình trạng vệ sinh tại cơ sở Hải Việt không những không cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn so với lần kiểm tra trước đó dù cơ sở đã được nhắc nhở nhiều lần.
Quận Hà Đông hiện có 6.800 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cùng với 3 trung tâm thương mại, 14 siêu thị và 16 chợ dân sinh.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, quận đã thành lập 21 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 15 cơ sở và xử phạt 2 cơ sở với số tiền 21 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 13,7 triệu đồng. Các phường đã kiểm tra 71 cơ sở, xử phạt 25 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 54,7 triệu đồng.
Trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh rằng thành phố Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn và chất lượng cho người dân. Người dân cũng được khuyến cáo lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở uy tín, có kiểm định rõ ràng để bảo vệ sức khỏe gia đình.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết năm 2025. Các đoàn này sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở dịch vụ ăn uống, đặc biệt là những cơ sở sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết và lễ hội.
Hà Nội hiện có 72.671 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, với tổng diện tích 5.044 ha trồng rau an toàn. Trong năm 2024, Hà Nội đã kiểm tra 70.809 cơ sở, xử phạt hơn 14,1 tỷ đồng đối với 3.234 cơ sở vi phạm.
Các vi phạm phổ biến trong năm 2024 bao gồm: không đảm bảo khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, và vi phạm các điều kiện về vệ sinh tại khu vực bếp.
Hà Nội cũng đã tiến hành tiêu hủy 199 loại sản phẩm vi phạm của 5.709 cơ sở, bao gồm 10.000 bánh trung thu và 14.221 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Mức phạt có thể lên tới 120 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các mức phạt sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Việc kiểm tra và xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm tại Hà Nội đã được thực hiện một cách nghiêm túc và chặt chẽ trong năm 2024, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong năm 2025 để đảm bảo một mùa Tết an lành và an toàn cho người dân.