Cùng với đó, đặt ra nhiệm vụ cho từng Sở, ban, ngành tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường đến cuối năm 2024 và phục vụ Tết Nguyên đán 2025.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau bão lên tới hàng nghìn tỷ đồng
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do bão số 3 và mưa lũ sau bão lên tới 2.286 tỷ đồng. Trong đó, trồng trọt thiệt hại nặng nề nhất với 1.956 tỷ đồng, chăn nuôi thiệt hại khoảng 31,8 tỷ đồng, còn thủy sản bị tổn thất khoảng 298,9 tỷ đồng. Mưa bão cũng gây ra hàng chục sự cố sạt lở đê điều và công trình thủy lợi, ảnh hưởng lớn đến an toàn sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Để thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất nông nghiệp sau bão, Sở rà soát, đánh giá thiệt hại và triển khai các thủ tục để thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND; Chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật khắc phục giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất vụ mùa. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 1.150,2 triệu đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại cũng đề xuất UBND Thành phố cấp bổ sung nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, ngân hàng chính sách để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên các đối tượng bị thiệt hại có nhu cầu vay để phục hồi và phát triển sản xuất; kịp thời bố trí kinh phí để khắc phục các công trình đê điều, thủy lợi phục vụ ổn định đời sống nhân dân và phát triển sản xuất…
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu từ nay đến cuối năm
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội cho biết, để chủ động cung ứng hàng hóa phục vụ người dân trước tác động của bão số 3, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với các nhà cung cấp nhằm gia tăng lượng cung ứng hàng hóa.
Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh và củ quả được tăng gấp đôi so với ngày thường. Khi Thành phố chịu ảnh hưởng từ mưa bão gây úng ngập, các doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các biện pháp tăng cường vận chuyển hàng hóa liên tục đến các điểm bán, đồng thời mở rộng kênh bán hàng trực tuyến và kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Với mặt hàng rau củ, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa bão gây úng ngập, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung, các doanh nghiệp đã tích cực tăng cường khai thác từ các tỉnh phía Nam và Đà Lạt. Điều này giúp bổ sung kịp thời lượng rau củ còn thiếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thành phố.
Bão số 3 cũng đã gây ra nhiều sự cố về lưới điện tại một số khu vực, chủ yếu do cây cối và các vật thể lạ gãy đổ vào đường dây và trạm biến áp. Ước tính thiệt hại đối với lưới truyền tải khoảng 721 triệu đồng, lưới điện của EVNHANOI thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng, và các tổ chức kinh doanh điện khác thiệt hại khoảng 1.162 triệu đồng.
Sở Công thương đã chỉ đạo EVNHANOI cùng các tổ chức kinh doanh điện khác trên địa bàn tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Để tiếp tục đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân sau bão số 3 và trong các tháng cuối năm 2024 cũng như dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở Công thương sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu hàng hóa, nhất là tại những khu vực bị ngập úng. Các giải pháp điều tiết nguồn hàng sẽ được triển khai kịp thời để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với các tỉnh, thành không bị ảnh hưởng bởi mưa bão để đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội. Song song đó, các đơn vị liên quan cũng sẽ triển khai các biện pháp để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh rằng đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thành phố, yêu cầu các đơn vị liên quan phải khẩn trương đưa ra phương án xử lý, hỗ trợ kịp thời cho bà con, các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn, khắc phục hậu quả do bão số 3 và các đợt mưa lũ sau đó gây ra.
Phó chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các sở Kế hoạch, Tài chính và Văn phòng UBND Thành phố, tập trung hoàn thiện báo cáo đánh giá thiệt hại, kế hoạch phục hồi sản xuất và các giải pháp thực hiện từ nay đến năm 2025 để trình lên cuộc họp Thường trực Thành ủy sắp tới.
Về phương án hỗ trợ, Phó chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính rà soát lại các địa phương, đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động rà soát những đối tượng cần hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND.
Liên quan về các dự án xử lý khẩn cấp, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở ngành liên quan cử người tham gia thiết lập các hồ sơ xử lý khẩn cấp theo đúng quy định của luật. “Việc này phải giải quyết nhanh, đúng đối tượng, đúng quy trình”, Phó chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Về nhóm đầu tư cải tạo nâng cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở ngành liên quan sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, bổ sung vào kế hoạch 2025 kịp thời.
Về chính sách hỗ trợ vụ Đông, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cơ bản nhất trí với báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên yêu cầu sản phẩm phải phù hợp, đúng đối tượng, đúng nhu cầu với tinh thần là để phục hồi sản xuất kinh doanh, bù đắp thiệt hại sau bão gây ra, đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm phục vụ cho cuối năm.
Đối với các Quỹ, ngân hàng chính sách, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị rà soát lại toàn bộ tổng thể trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, có báo cáo; trên cơ sở đó, các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Văn phòng UBND Thành phố tổng hợp thành gói hỗ trợ chung trong giai đoạn thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và năm 2025.