Y tế - Sức khỏe
Hà Nội: Thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà
D.Ngân - 06/12/2021 18:07
Hà Nội yêu cầu các địa phương thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong những ngày gần đây với số lượng mắc mới ngoài cộng đồng tiếp tục tăng cao, UBND TP đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn khẩn trương triển khai Trạm Y tế lưu động để thu dung, cách ly, quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.

Hà Nội yêu cầu các địa phương hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu tùy cấp độ dịch. (Ảnh: Zing.vn)

Các địa phương cũng thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà để hỗ trợ cho các Trạm Y tế lưu động gồm các lực lượng tình nguyện;

Tiếp nhận thông tin từ người nhiễm Covid-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà, thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm y tế lưu động và các nhiệm vụ khác được giao; được hưởng các chế độ phòng, chống dịch theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho “Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà” để theo dõi sức khỏe cho người nhiễm Covid-19 tại nhà; Sở Y tế phân công các bệnh viện trên địa bàn chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho các Trạm Y tế lưu động.

UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cách ly tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1) theo hướng dẫn của Thành phố và theo Công văn số 5599/BYT-MT của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hà Nội yêu cầu các địa phương đánh giá cấp độ dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ, bao gồm việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...).

Để ứng phó với dịch bệnh khi các ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, Hà Nội đã tiến hành phân tầng điều trị, thành lập trạm y tế lưu động và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin..

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP.Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh khi các ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Hà Nội đã tiến hành phân tầng điều trị F0, cụ thể: Tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng 1 và tuyến Trung ương.

Theo đó, nếu Thành phố ghi nhận 10.000 ca nhiễm, tầng một tăng lên 9.200 giường; tầng 2 có 600 giường; tầng 3 là 200 giường. Với kịch bản 40.000 ca nhiễm, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800.

Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng một (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.

Hà Nội cũng đã triển khai phương án điều trị F1, F0 thể nhẹ, không triệu chứng đủ điều kiện được cách ly và tự điều trị tại nhà. Đến nay, tại các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội đều đã thành lập các trạm y tế lưu động để điều trị người mắc Covid-19 nhẹ và không triệu chứng.

Cùng với đó, Hà Nội cũng yêu cầu ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; 

Tiếp tục kế hoạch tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi; tổ chức tiêm lưu động, tiếp cận các nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, bệnh nền, khó di chuyển.

Theo đánh giá của chuyên gia y tế, khi số lượng ca bệnh tăng cao, Hà Nội thực hiện điều trị F1, F0 thể nhẹ, không triệu chứng là cần thiết, giảm gánh nặng cho cơ sở y tế tuyến trên và đảm bảo tất cả người bệnh được tiếp cận y tế.

Tuy nhiên, cán bộ y tế cơ sở cần phải nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của dịch bệnh hiện nay và xử lý được các tình huống phát sinh trong quá trình điều trị.

Hà Nội đã xây dựng 3 túi thuốc dành cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà (chỉ dùng cho người lớn trên 18 tuổi).

Cụ thể: Túi thuốc A gồm paracetamol 500mg và vitamin (đa sinh tố, vitamin C); túi thuốc B sử dụng khi F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở, nhịp thở trên 20 lần/phút hoặc SpO2 <95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Đơn thuốc này gồm: Dexamethason 0,5mg (hoặc methylprednisolone 16mg) và rivaroxaban 10mg; túi thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg hoặc Molnupiravir 200mg. Tùy theo các điều kiện thực tế và triệu chứng của từng người bệnh, nhân viên y tế sẽ tiến hành phát các thuốc này.

Các quận, huyện, thị xã cũng huy động nguồn lực tại địa phương, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chủ động thực hiện việc điều phối, vận chuyển người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng (tầng 1), vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi cần vận chuyển theo chỉ đạo tại Công điện số 26/CĐ-UBND của UBND TP.

Tin liên quan
Tin khác