Sau đây là tổng hợp các thông tin về thị trường bất động sản có trong tuần.
TP.HCM thu hơn 17.000 tỷ đồng từ đất đai
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn do UBND TP.HCM công bố, trong 10 tháng qua, nguồn thu từ đất đai đạt 17.009 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái.
Trong 10 tháng qua, nguồn thu từ đất đai của TP.HCM tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Toàn |
UBND thành phố đánh giá, việc quản lý và sử dụng đất đai trong năm vừa qua còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Luật đất đai 2024 đã có hiệu lực nhưng cần thời gian để vận dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, các thủ tục triển khai liên quan đến đất đai còn chậm, quy hoạch chung, quy hoạch đô thị điều chỉnh chưa được phê duyệt kịp thời, ảnh hưởng đến một số công tác.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM dự kiến, nguồn thu ngân sách từ đất đai trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ là 32.798 tỷ đồng, trong đó khoản thu trong năm 2024 là 22.000 tỷ đồng, đến từ 3 nguồn gồm khu đất dự kiến bán đấu giá trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; thu nghĩa vụ tài chính, chủ yếu các khu đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và 32 khu đất thu nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Hà Nội thu gần 48.600 tỷ đồng từ nhà, đất
Tại báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024, UBND TP. Hà Nội cho biết, trong năm nay, Thủ đô lần đầu tiên thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm ngoái - cao nhất cả nước.
Thị trường bất động sản Hà Nội đã có một năm đầy sôi động, thanh khoản tăng ở nhiều phân khúc. Ảnh: Thanh Vũ |
Trong đó, khoản thu từ nhà, đất tăng trưởng hơn 29%, đạt trên 48.590 tỷ đồng. Con số này vượt dự toán 14%. Riêng khoản thu từ sử dụng đất đóng góp gần 75% với 36.100 tỷ đồng, tăng 40,5% so với năm ngoái.
UBND thành phố cho biết thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản. Đến nay, thành phố đã rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai để thanh tra, đôn đốc thực hiện.
Trong đó, 420 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, với diện tích trên 9.000 ha. Khoảng 292 dự án được đẩy nhanh tiến độ. Có 8 dự án (quy mô gần 259 ha) bị thu hồi vì vi phạm pháp luật, không đưa đất vào sử dụng để hoang hóa, lãng phí.
Hà Nội xem xét đấu giá đất bãi bồi ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng và sông Đuống đoạn đi qua TP. Hà Nội có tổng diện tích khoảng 23.551ha, thuộc 17 quận, huyện.
Qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố cho thấy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê. Cụ thể, một số quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết tiến độ còn chậm. Ngoài ra, một số dự án khu vực bãi sông, ngoài đê gồm cả vốn đầu tư công và ngoài ngân sách chậm tiến độ.
Hơn nữa, số lượng vi phạm thuộc lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng xảy ra tại khu vực bãi sông, ngoài đê còn nhiều, xử lý chưa dứt điểm. Thống kê cho thấy, trên địa bàn các quận, huyện có 390 trường hợp vi phạm (bao gồm cả vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, hành lang thoát lũ) nhưng mới xử lý được 252 trường hợp, còn lại 148 trường hợp vi phạm.
Thường trực HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố chỉ đạo rà soát lại công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xây dựng kế hoạch, đề án tăng cường công tác quản lý hiệu quả khu vực ngoài đê, bãi sông, trước mắt là sông Hồng và sông Đuống.
UBND thành phố cần nhanh chóng khắc phục tồn tại, vướng mắc về quy hoạch, quản lý môi trường, xây dựng, nông nghiệp, đê điều. Trong đó, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng.
Hà Nội có thêm 460 căn nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh
Vào ngày 17/12, dự án nhà ở xã hội tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh đã được khởi công, dự kiến thời điểm hoàn thành vào tháng 10/2026.
Công trình được xây dựng trên khu đất rộng hơn 15.280 m2, với 4 khối nhà cao 9 tầng. Đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên của doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng công ty 319. Sau khi hoàn thành, khu nhà sẽ cung cấp 466 căn hộ cho người thu nhập thấp và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở Hà Nội.
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Hạ Đình. |
Đầu tháng 12/2024, một khu nhà ở xã hội khác thuộc khu đô mới Hạ Đình của liên danh UDIC, Haweicco và Công ty phát triển Nhà DAC Hà Nội cũng được triển khai thi công. Dự án này nằm tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Theo quy hoạch, khu nhà xã hội này sẽ có 440 căn hộ với tòa nhà cao 25 tầng. Công trình dự kiến thi công trong 30 tháng.
Trước đó, hồi cuối tháng 11/2024, chung cư CT1 với gần 600 căn thuộc khu nhà xã hội tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên đã được cấp giấy phép xây dựng. Dự án do liên danh Him Lam Thủ Đô và BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, nằm trên khu đất hơn 5.100 m2.
Năm 2025, Hà Nội dự kiến hoàn thành 4.670 căn nhà ở xã hội. Hiện tại, thành phố đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án tại xã Tiên Dương, Đông Anh với quy mô 80 ha và phấn đấu có thể khởi công ngay trong quý đầu năm sau.
Thừa Thiên Huế sẽ có khu du lịch sân golf gần 450 ha
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ thuộc hai xã Phong Chương, Phong Bình, huyện Phong Điền. Dự án có tổng diện tích 445 ha, nằm giáp dải cát trắng dọc hồ Trằm Nãi, Bàu Bàng và hai tuyến tỉnh lộ 4, 6.
Vị trí khu vực lập quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ. |
Khu vực quy hoạch gồm ba phân khu. Khu A bố trí ba sân golf tổng 27 hố trải dài theo các hồ nước, khu club house và dải cây xanh dọc tỉnh lộ 6.
Khu B sẽ phát triển khách sạn nghỉ dưỡng tối đa 10 tầng có bể bơi, khu vui chơi giải trí; biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng và nhiều hạng mục tiện ích như 4 công viên, bảo tàng xương rồng...
Khu C nằm ở phía Tây Nam, giáp với hồ Trằm Nãi được định hướng phát triển du lịch trải nghiệm, trang trại nông nghiệp, bảo tàng, chăm sóc sức khỏe...
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành khu du lịch sinh thái, trải nghiệm, sân golf kết hợp các dịch vụ nhà hàng, lưu trú, nghỉ dưỡng, trị liệu, khai thác các loại cây thuốc nam và mỏ than bùn đặc trưng của địa phương. Quy mô khách du lịch, lưu trú và nhân viên phục vụ khoảng 30.000 người.
UBND tỉnh yêu cầu giữ lại hiện trạng rừng phòng hộ nhằm tạo môi trường sinh thái đặc thù, bảo tồn các loại cây bản địa. Các công trình cao trên 7 tầng được khuyến khích xây tối đa 2 hầm để đảm bảo diện tích bãi đỗ xe, khu vực còn lại tối đa một hầm.
Bình Định đang "tồn kho" khoảng 600 căn nhà ở xã hội
Theo ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, đối với các dự án nhà ở xã hội đã được lựa chọn chủ đầu tư, “cái khó” hiện giờ đối với các chủ đầu tư là vốn đầu tư.
Ông Bảo đề cập, theo lựa chọn chủ đầu tư, chủ đầu tư chỉ cần có 20% vốn chủ sở hữu là đảm bảo doanh nghiệp được lựa chọn, phần còn lại là được phép vay. “Tuy nhiên, việc vay vốn hiện giờ không đơn giản mặc dù Chính phủ có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay”, ông Bảo nói.
Dự án Nhà ở xã hội Tân Đại Minh 2 - Lamer 2 vừa hoàn thành trong năm 2024 tại TP. Quy Nhơn. |
Lý giải thêm, ông Bảo cho biết, tại thời điểm ban hành chủ trương thì lãi suất vay còn rất cao so với vay thương mại. Cùng với đó là điều kiện để được vay không hề đơn giản như trước đây mà chủ đầu tư phải có tài sản thế chấp, do đó các chủ đầu tư “kẹt vốn nên không dám đầu tư để thi công theo kế hoạch”.
Một lý do nữa ảnh hưởng kế hoạch là đầu ra sản phẩm. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, giai đoạn 2020 - 2021, nhu cầu xã hội tăng nhanh vì giá đất cao nên nhiều người đăng ký mua căn hộ; có trường hợp chủ đầu tư bán 100 căn nhưng có 300 đơn đăng ký.
Nhưng theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, các dự án đang tồn kho khoảng 600 căn, bình quân bán trong năm 2024 chỉ được 350 căn. Đây cũng lý do khiến chủ đầu tư giảm tiến độ, không dám đầu tư.
Ông Bảo kỳ vọng, Luật Nhà ở mới quy định đối tượng mua nhà ở xã hội thoáng hơn thì số lượng người mua nhà ở xã hội nhiều hơn. Đồng thời, về giá, Sở Xây dựng cũng cố gắng kiểm soát ở mức giá 12 triệu đồng/m2 để thu hút được người mua.
Sở Xây dựng đang cố gắng thống kê số lượng dự án có khả năng hoàn thành được. Giám đốc Sở này khẳng định, về cơ bản kế hoạch dài hạn đảm bảo được, còn kế hoạch ngắn hạn trong năm, Sở Xây dựng chỉ đăng ký ở mức chỉ 50%.
“Nhìn lại các dự án đã triển khai nhưng các chủ đầu tư đều vướng về vốn và đầu ra”, ông Bảo tổng kết.
Quảng Bình kêu gọi đầu tư 8 dự án nhà ở xã hội
UBND tỉnh Quảng Bình vừa mới quyết định phê duyệt danh mục dự án nhà ở xã hội kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (đợt 1) với tổng số 8 dự án.
Theo đó, 8 dự án được kêu gọi đầu tư bao gồm: Dự án Khu nhà ở xã hội Khu công nghiệp Cam Liên (3 ha) ở xã Ngư Thuỷ và xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Dự án Khu nhà ở xã hội Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu (20 ha) ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh.
Quảng Bình hiện đang "trống" các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Ảnh: Ngọc Tân |
Dự án Khu nhà ở xã hội Lộc Ninh 1 (1 ha) ở xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới (sử dụng quỹ đất 20% tại dự án khu nhà ở thương mại phía Tây Nam đường Lý Thánh Tông, đoạn từ đường F325 đến đường Trương Phúc Phần). Dự án Nhà ở xã hội Đồng Phú 1 (1 ha) ở khu đất giáp ranh giữa phường Đồng Phú và phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới.
Dự án Khu nhà ở xã hội Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới (2,5 ha) ở khu đất OXH1 tại Quy hoạch phân khu điều chỉnh Khu vực phía Tây Nam đường Quốc lộ 1A (đoạn từ đường F325 đến đường Trương Phúc Phần).
Dự án khu nhà ở xã hội Đức Ninh Đông (8,5 ha) tại khu đất thuộc Quy hoạch phân khu Khu vực phát triển đô thị phía Tây Bắc đường Lê Lợi, TP. Đồng Hới.
Dự án Nhà ở xã hội khu vực phía Tây huyện Bố Trạch (1 ha) ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch. Dự án Nhà ở xã hội Bảo Ninh 1 (1,9 ha) tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (sử dụng quỹ đất 20% tại dự án Khu đô thị Bảo Ninh 1).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú cho biết, đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tổ chức công bố công khai trên các trang thông tin theo quy định để thực hiện việc kêu gọi đầu tư. Hướng dẫn nhà đầu tư quan tâm lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật…
Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của dự án nghị quyết này là tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích nông dân sản xuất, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, baochinhphu.vn đưa tin.
Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nông nghiệp bằng chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp đã thực hiện được hơn 30 năm và hiện đang miễn thuế đến hết năm 2025.
Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 30 năm áp dụng, việc đánh giá lại các quy định về thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, đặc biệt là những quy định liên quan đến cách tính thuế lạc hậu và không còn phù hợp với thực tế.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời hạn miễn thuế đến năm 2030.
Quyết định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, khuyến khích đầu tư, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2026.
Bộ Tài chính đánh giá, việc kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030 sẽ không gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước vì đây là chính sách đã và đang được thực hiện. Ước tính, tổng số thuế được miễn theo quy định hiện hành là khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm.
Việc tiếp tục miễn thuế sẽ góp phần tạo ra một chuỗi giá trị nông sản bền vững, từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.