Phát huy những tiềm năng và lợi thế, trong những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Với phương châm "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của địa phương với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp theo hướng nhà đầu tư, doanh nghiệp được hưởng quyền lợi ở mức cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất theo quy định. Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2050 do Tập đoàn Tư vấn Monitor (Hoa Kỳ) lập, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu địa điểm đầu tư cho FLC. |
Cùng với 2 khu kinh tế trọng điểm của cả nước được ưu tiên đầu tư, Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, có diện tích tự nhiên 22.781 ha, với các ngành có ý nghĩa chiến lược và quy mô lớn nhất cả nước.
Với vị thế là động lực phát triển kinh tế phía Tây của tỉnh, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia đã được quy hoạch các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu đô thị với môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.
Hà Tĩnh đã thu hút được 700 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký trên 350.000 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 41 dự án (vốn đăng ký trên 4.200 tỷ đồng). Nhiều dự án lớn của các tập đoàn trong nước như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng, Nhà máy Bia Sài Gòn, Nhà máy Cọc sợi Hồng Lĩnh, các cầu cảng tại Cảng Vũng Áng... đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với các dự án trên, Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Vincom Hà Tĩnh, Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót,… đang triển khai đúng tiến độ.
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh phát triển. Tính đến năm 2016, Hà Tĩnh xếp thứ 8 trên cả nước về thu hút FDI.
Trong số các dự án FDI, nhiều dự án lớn đang triển khai, như: Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa; Khu công nghiệp Phú Vinh; Dự án Khu bến Phoenix (bến cảng số 5, 6) Cảng Vũng Áng; Khách sạn 5 sao và chung cư Hill Side… và một số dự án lớn đang hoàn tất thủ tục đầu tư như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III... Đến nay, đã có 16 nước và vùng lãnh thổ vào đầu tư Hà Tĩnh, bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Australia, Mỹ, Thái Lan, Philippines, Lào, Trung Quốc, Seychelles, Cộng hòa Séc, Đức, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Samoa.
Tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh các cơ sở sản xuất hiện có, triển khai tăng quy mô sản xuất một số dự án có lợi thế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Hà Tĩnh có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương lớn nhất Việt Nam có thể tiếp nhận tàu 300.000 tấn, là cửa ngõ thuận lợi và ngắn nhất đến các cảng biển trên thế giới đối với khu vực miền Trung Việt Nam, Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Hà Tĩnh còn là vùng đất giàu tài nguyên, khoáng sản như: sắt Thạch Khê, ti-tan, mangan, đá granit...; gần 366.000 ha rừng và trên 97.000 ha đất canh tác thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp toàn diện.
Nhằm phát triển kinh tế phù hợp với chiến lược và định hướng cho những năm tiếp theo, Hà Tĩnh đã và đang tập trung kết hợp phát triển công nghiệp truyền thống với công nghiệp hiện đại. Để thực hiện chủ trương trên, Hà Tĩnh khuyến khích, ưu tiên cho các dự án đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao gắn với tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên của tỉnh; các dự án công nghiệp hỗ trợ; sản xuất thiết bị, công nghiệp cơ khí chế tạo, vật liệu mới; xây dựng cơ sở hạ tầng cho các KKT, các KCN, cụm công nghiệp; các khu du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại hiện đại, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao; Xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo dạy nghề, chăm sóc y tế chất lượng cao; cơ sở sản xuất, chế tạo, sửa chữa trang thiết bị... Từ đó để có thể tập trung lấp đầy và đẩy nhanh tốc độ phát triển trong vùng quy hoạch nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Điện, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn, trong đó chú trọng chất lượng dự án và năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên các dự án chứa hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực”.
Tới nay, Hà Tĩnh luôn xác định một trong những giải pháp quan trọng để mời gọi các nhà đầu tư là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vấn đề mang tính chìa khoá của địa phương sẽ là đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, bổ sung và ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cùng đồng hành với doanh nghiệp, phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành địa chỉ hấp dẫn, an toàn và hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Huy Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh
Có thể khẳng định, môi trường đầu tư của Hà Tĩnh trong thời gian qua là lành mạnh và an toàn, khi chính quyền luôn đồng hành và đứng bên cạnh doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư được tạo điều kiện hết sức thuận lợi. Có thể thấy, sự yên tâm và tin tưởng vào sự đồng hành, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, khi họ đang mạnh dạn đưa đồng vốn, khoa học công nghệ, trang thiết bị vào đầu tư trên địa bàn.
Cần quy hoạch dự án theo vùng, khu vực
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương
Có thể thấy rằng, lợi thế của Hà Tĩnh là phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp. Vì thế, trong thời gian gần đây, các dự án nuôi tôm trên cát vùng ven biển đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất vay vốn, diện tích chăn nuôi, tôi cho rằng, các cơ quan nên quy hoạch các dự án theo vùng, theo khu vực nuôi.
Theo tôi, ngoài các cơ chế chính sách hỗ trợ từ nhà nước, quy hoạch sẽ khiến doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược.
Thủ tục hành chính thông thoáng
Ông Nguyến Trí Sơn, UVHĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, được khởi công xây dựng từ tháng 12/2009. Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy đang vận hành với 39.216 cọc sợi, doanh thu năm 2015 đạt 263 tỷ đồng, năm 2016 doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD. Nhà máy đang sử dụng hơn 400 lao động, hầu hết là người địa phương, có việc làm ổn định và từng bước nâng cao thu nhập.
Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngoài yếu tố nội lực quyết tâm của Công ty và sự quan tâm chỉ đạo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ngành của tỉnh, trong đó việc tạo điều kiện hết sức thông thoáng của Đảng bộ, chính quyền và sự động viên, ủng hộ của nhân dân thị xã Hồng Lĩnh.
Doanh nghiệp Hà Tĩnh đã đóng góp gần 40% GDP
Ông Hoàng Trung Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh
Trong 10 năm lại đây, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp Hà Tĩnh đã phát triển mạnh mẽ, từ chỗ cả tỉnh chỉ có hơn 800 doanh nghiệp năm 2005, nhưng đến nay đã có trên 6.000 doanh nghiệp. Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp cũng đang chuyển biến tích cực. Trước đây, doanh nghiệp Hà Tĩnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, thì đến nay đã xuất hiện những doanh nghiệp có tầm cỡ. Doanh nghiệp Hà Tĩnh trong thời gian qua đã thể hiện vai trò của mình trong cơ cấu GDP của Hà Tĩnh, từ mức dưới 2%, đến nay, khối doanh nghiệp đã đóng góp xấp xỉ 40% GDP cho tỉnh nhà.