Trung tuần tháng 1/2016, một thỏa thuận hợp tác quan trọng đã được ký kết giữa Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) và chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 - Công ty cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng 2, với sự tham gia của Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản).
Như vậy, sau 8 năm đàm phán, một tiến trình mới đã đến với dự án có vốn đầu tư dự kiến 2,2 tỷ USD, quy mô 1.200 MW này. Dự án nhiệt điện BOT này sẽ sớm được cấp chứng nhận đầu tư, để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho khu vực này.
. |
Trên thực tế, dù chưa thể sánh được với hai vùng động lực kinh tế phía Nam và phía Bắc, song “khúc ruột miền Trung” Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đang nổi lên là một trong những khu vực thu hút được lượng lớn vốn FDI và cả vốn đầu tư trong nước, bất chấp đây là khu vực có điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt, kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lũy kế đến nay, Hà Tĩnh đã thu hút được gần 11,56 tỷ USD vốn FDI, đứng vị trí số 8 trong danh sách các địa phương thu hút FDI lớn của cả nước. Thanh Hóa đứng ngay sát Nghệ An - vị trí thứ 9, với 10,64 tỷ USD. Còn Nghệ An có phần đuối hơn, đứng ở vị trí 28.
Khu vực này được cho là có khá nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư. Hệ thống giao thông đã được đầu tư khá đồng bộ, các sân bay, rồi cảng nước sâu ở Nghi Sơn, Vũng Áng được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy trong giao thương, qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư. Các khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng, Đông Nam Nghệ An cũng sẽ là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Các ngành công nghiệp nặng có nhiều cơ hội để phát triển tại đây.
Thực tế cũng đã có một số dự án quy mô lớn đầu tư tại 3 tỉnh này. Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, quy mô hơn 9 tỷ USD đang ở vào giai đoạn xây dựng cuối cùng trước khi vận hành. Liên hợp thép Formosa - hơn 10 tỷ USD - dù vẫn chưa được phép đi vào hoạt động sau khi là tác nhân gây sự cố cá chết ở 4 tỉnh miền Trung - nhưng cho đến nay vẫn là dự án FDI quy mô lớn nhất cả nước. Những dự án này được kỳ vọng tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, cũng như để thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn thì nếu loại trừ hai đại dự án trên, tổng vốn FDI mà Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thu hút được còn khá khiêm tốn. Con số thống kê từ Nghệ An là 1,7 tỷ USD, nhưng trong số này có tới 1 tỷ USD là vốn đăng ký của Dự án Thép Kobelco, mà dự án này thì hiện vẫn “án binh bất động”. Như vậy, vẫn còn những “điểm nghẽn” cần khơi thông để 3 địa phương này có thể tăng tốc thu hút FDI. Hạ tầng cơ sở hay môi trường đầu tư, kinh doanh chỉ là một chuyện, theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng là các địa phương này cần bắt tay hợp tác để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Liên kết vùng hiệu quả gần đây luôn được coi là một lời giải đúng đắn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của các địa phương. Nếu vẫn mạnh ai nấy làm, cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mọi giá, thì kết quả sẽ là sự thua cuộc của tất cả các bên.
Những thông tin gần đây là khá tích cực, khi Samsung muốn đầu tư Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3. Chưa kể, sau khi VSIP đầu tư Khu công nghiệp tại Nghệ An, đã có rất nhiều kỳ vọng vào sự “mát tay” của Liên doanh Sembcorp - Becamex trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan) mới đây cũng đã ký thỏa thuận xây dựng một khu công nghiệp - đô thị có vốn đầu tư tới 1 tỷ USD tại Nghệ An…
Liệu có thể kỳ vọng về một sự bứt phá trong thu hút FDI của “khúc ruột miền Trung”?