Trước kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về xây dựng quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa giao Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền các kiến nghị trước ngày 28/7/2023.
Trước đó, ngày 6/7/2023, VSA đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Năm 2022, thép nhập khẩu về Việt Nam đạt 11,7 triệu tấn, trị giá 11,9 tỷ USD. Ảnh st |
Năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 11,7 triệu tấn, trị giá hơn 11,9 tỷ USD. Ngành thép nhập siêu khoảng 3,9 tỷ USD.
Các thị trường cung cấp thép chính cho Việt Nam gồm Trung Quốc khoảng 41,6%; Nhật Bản chiếm 15%; Hàn Quốc chiếm 12,2%; Đài Loan chiếm 8,8% và Ấn Độ khoảng 6,5%.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho hay, năm 2016, xuất khẩu thép của Trung Quốc ra thế giới đã đạt đỉnh cao với 115 triệu tấn. Sau khi giảm sút thời gian qua do đại dịch và các hạn chế đi lại, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng dần trở lại. Đặc biệt, riêng trong tháng 5/2023, đã đạt khoảng 8 triệu tấn, là con số rất ấn tượng kể từ năm 2016 tới nay.
“Đồng nhân dân tệ giảm giá khoảng 5%, thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn ế ẩm và nhu cầu tại một số nước như Philippines, Indonesia, Trung Đông và châu Phi tăng, khiến cho xuất khẩu thép của Trung Quốc cũng gia tăng”, ông Nghiêm Xuân Đa cho hay.
Vẫn theo VSA, tại Việt Nam hiện nay, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực... đều không phải chịu bất cứ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Đồng thời, các sản phẩm thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công thương, nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Do vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam không có quy trình kiểm tra chất lượng như các quốc gia khác, dẫn tới thép nhập khẩu đa dạng về chủng loại, chất lượng, chưa được đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, chưa có sự kiểm soát về chất lượng và chủng loại.
Đáng nói là các thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ… đều rất để ý, giám sát và thực hiện nhiều biện pháp phòng vệ thương mại với mặt ngành thép.
Sách trắng xuất khẩu 2022 và Báo cáo Phòng vệ thương mại năm 2022 có thống kê nhiều vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới thép.
Đơn cử, Mexico đã điều tra 2 vụ việc chống bán phá giá với mặt hàng thép mạ (năm 2021) và thép cán nguội (năm 2022) của Việt Nam. Với EU, hiện nay chỉ đang áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ có liên quan tới sản phẩm thép.
Thái Lan đã tiến hành điều tra 08 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 06 vụ việc chống bán phá giá và 02 vụ việc tự vệ. Các sản phẩm bị điều tra bao gồm: thép tấm không hợp kim nóng cuộn và không cuộn; ống và ống dẫn bằng thép hàn, ống thép không gỉ; tôn phủ màu; tôn lạnh và thép cuộn nguội hoặc không cuộn nguội.
Trong năm 2022, Thái Lan tiến hành rà soát cuối kỳ 02 vụ việc chống bán phá giá, bao gồm vụ việc thép mạ hợp kim nhôm kẽm, thép phủ màu và vụ việc ống thép không gỉ.
Hay Malaysia đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 07 sản phẩm của Việt Nam, đều là các sản phẩm thép gồm thép mạ, thép cuộn cán nguội, thép mạ hợp kim nhôm kẽm… Trong năm 2022, Malaysia tiến hành rà soát thuế chống bán phá giá đối với 02 sản phẩm thép cuộn cán nguội/thép không hợp kim có chiều rộng lớn hơn 1.300 mm và thép cuộn cán nguội hợp kim/không hợp kim có độ dày từ 0,2 đến 2,6 mm và chiều rộng từ 700 mm đến 1.300 mm của Việt Nam.
Theo VSA, các quốc gia đang tăng cường áp dụng triệt để hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia…
Theo đó, khi sản phẩm xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Mục tiêu là ngăn chặn lượng nhập sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập.
Bởi vậy, Việt Nam cũng cần có những biện pháp thích hợp để hạn chế sự đổ bộ tràn lan của thép ngoại, động viên các nhà sản xuất đầu tư bài bản, tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.