Theo tin cảnh báo lũ trên các sông tỉnh Hải Dương của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương tại bản tin số CBLU-12/06h00/HDUO ngày 11/9, trong 12-24 giờ tới, mực nước các sông tiếp tục lên nhanh, trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê đạt mức báo động III và tiếp tục lên.
Hiện tại hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 01 cửa xả đáy, hồ thuỷ điện Tuyên Quang mở 06 cửa xả đáy. Mực nước thực đo lúc 6h00’ ngày 11/9: Trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 5,79 m (BĐIII: 0,16 m).
Ban chỉ huy Quân sự TP. Hải Dương hỗ trợ di dời tài sản và người dân ở khu vực bãi sông Thái Bình (ngoài đê) trên địa bàn phường Nhị Châu đến nơi an toàn. Ảnh: CTV |
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát lệnh báo động số III trên hệ thống sông Thái Bình, từ 7h00’, ngày 11/9. Yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lụt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu.
UBND các huyện, thành phố, thị xã bằng các biện pháp thông tin thực hiện ngay việc cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh; xác định các khu vực cụ thể có các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông không đảm bảo an toàn (kể cả trong các đê bối) để triển khai ngay phương án di dời người và tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; thu hoạch, di dời các lồng bè nuôi cá trên sông về nơi an toàn, trường hợp không thể di dời phải gia cố lồng bè và có giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn, đặc biệt là an toàn tính mạng nhân dân; di chuyển người, tài sản, các vật cản khác ngoài bãi sông để đảm bảo an toàn, thoát lũ sông.
Sáng 11/9, mực nước trên sông Thái Bình dưới mức báo động III 0,23 m. Ảnh: CTV |
Triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác đê trên các tuyến đê đảm bảo từng vị trí đê đều phải có người kiểm tra, chịu trách nhiệm; tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến để điều, đặc biệt chú ý kiểm tra kỹ các cống dưới đê, các khu vực đê sát sông, các trọng điểm xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý, ứng phó với mọi tình huống, đảm bảo an toàn cho công trình đê điều.
Tổ chức cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép đi trên đê, quản lý chặt chẽ xe chạy trên đê theo quy định; cấm hoạt động của các đò ngang; phát quang mái đê, mặt đê để đảm bảo hiệu quả công tác tuần tra canh gác đê, phát hiện các sự cố, rò rỉ, hư hỏng. Rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm công trình đê điều đã duyệt, đặc biệt là phương án chống tràn cho các vị trí đê thấp cục bộ; rà soát các điểm xung yếu, các vị trí để sát sông, chân đê là đầm, ao, ruộng trũng tiềm ẩn khả năng xuất hiện các sự cố. Kiểm tra việc đóng kín các cống dưới đê. Thực hiện nghiêm quy định về hạ thấp đảm bảo an toàn đê điều.
Tinh đến thời điểm hiện tại, hệ thống đề điều TP. Hải Dương an toàn, chưa có sự cố. TP. Hải Dương hiện quản lý 3 tuyến đê với tổng chiều dài là 31.786 m. Trong đó tuyến đê hữu Thái Bình dài 15.234 m, tuyến đê tả Thái Bình dài 15.215 m và tuyến đê hữu Lai Vu dài 1.337 m. Toàn thành phố hiện có 54 trạm bơm.
TP. Hải Dương sẵn sàng các phương án ứng phó với lũ, phương án hộ đê toàn tuyến; phương án ứng phó với lũ vượt tần suất thiết kế; phương án trọng điểm bảo vệ kè Thượng Đạt; phương án trọng điểm bảo vệ cống Tiền Tiến.
Nước mấp mé mặt sân một số nhà dân ở ngoài đê thôn Mỹ Xá, xã Minh Tân (huyện Nam Sách). Ảnh: CTV |
Sáng 11/9, theo báo cáo nhanh của TP. Hải Dương, mực nước ở bãi sông khu vực tả, hữu sông Thái Bình (thuộc các phường, xã: Việt Hoà, Cẩm Thượng, Bình Hàn, Nhị Châu, Ngọc Châu, Hải Tân, Ngọc Sơn, An Thượng, Nam Đồng, Tiền Tiến) đã ngập và đang lên cao. Đến thời điểm báo cáo, mực nước sông Thái Bình ngập bãi trung bình 2-2,5 m; cách mặt đê khoảng 1,3-1,5 m. Mực nước lũ ở bãi sông khu vực hữu Lai Vu (phường Ái Quốc) đã ngập và đang lên cao. Mực nước tại cống Âu Thuyền là 3,8 m, chênh lệch so với sông Sặt khoảng 1m.
Các lực lượng thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến tình trạng đê điều, tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo đúng quy định.
Trước đó, 23h00’ ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát lệnh báo động 2 trên hệ thống sông Luộc.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương cũng có phương án phân luồng giao thông tại khu vực 3 cầu Phú Lương, cầu An Thái và cầu Bình. Theo đó, 3 cầu này đều xây dựng đã lâu vẫn đang hoạt động bình thường, tuy nhiên khi tình hình bão lũ, nước chảy xiết như hiện nay, một trong những yếu điểm của 3 cây cầu này là không có hệ thống chống va xô trụ cầu và chiều cao khoang thông thuyền bị hạn chế tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn công trình.
Sở Giao thông Vận tải yêu cầu, khi gặp sự cố không đảm bảo an toàn cả 3 cầu lập chốt, bố trí người trực gác 2 bên cầu và phân luồng giao thông để người điều khiển phương tiện khi lưu thông tránh khu vực 3 cây cầu trên; đồng thời đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấm các phương tiện vận tải thủy lưu thông trên các tuyến sông trung ương qua địa bàn tỉnh.
Từ 18h00’ ngày 10/9, Sở Giao thông Vận tải cấm toàn bộ các phương tiện thuỷ lưu thông trên các tuyến sông do tỉnh quản lý trừ các phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trước đó, từ 01h00’ ngày 10/9 đến 01h00’ ngày 11/9, khu vực tỉnh Hải Dương có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa dao động từ 40-80 mm, có nơi cao hơn như Phả Lại là 104,8 mm.