Bước đệm vững vàng
Không chỉ thu ngân sách đạt cao, không chỉ vải thiều Thanh Hà đặt chân vào thị trường khó tính, bức tranh kinh tế - xã hội của Hải Dương còn có nhiều gam màu khác nổi bật so với những năm trước đây.
Đó là cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng khi tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ chuyển từ mức lần lượt là 35,4% - 36,6% - 28,0% (năm 1997) sang 15,7% - 53,1% - 31,2% (năm 2016). Đó là thu nhập bình quân đầu người thuộc vào top khá - đạt gần 47 triệu đồng/năm. Mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh vẫn đạt khá. Số dự án, vốn đầu tư trong và ngoài nước đều tăng so với năm 2015. Nhiều dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất. Nhiều dự án đã tăng vốn đầu tư và quy mô sản xuất.
Thành phố Hải Dương ngày càng phát triển, trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Thành Chung |
“Điều này khẳng định, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động rất ổn định tại Hải Dương và đạt kết quả kinh doanh tốt; môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hải Dương ngày càng tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương khẳng định.
Hải Dương hiện có 325 dự án FDI còn hiệu lực, với số vốn đăng ký 7,2 tỷ USD. Nhiều dự án đã liên tục tăng vốn đầu tư như Công ty TNHH Dệt Pacific (Hồng Kông, tăng 303,4 triệu USD, Dự án Tinh Lợi 2 của Công ty TNHH Tinh Lợi (Hồng Kông) tăng 60 triệu USD, Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso tăng thêm 31 triệu USD, Công ty máy Brother tăng thêm 35 triệu USD... Đây là những minh chứng cho môi trường đầu tư an toàn tại địa phương này.
Ông Vương Đức Sáng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, đó là kết quả sự minh bạch, môi trường đầu tư được cải thiện, cải cách hành chính chuyển biến tích cực, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được quan tâm. Đây là thước đo không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho chính các cơ quan quản lý, cơ chế, chính sách của tỉnh, nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Trên thực tế, Chỉ số PCI của Hải Dương vẫn ở mức thấp và năm 2015 tụt hạng so với năm 2014 (hạng 34 so với hạng 31). Điều này đặt ra nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi tỉnh phải đầu tư nhằm xây dựng hình ảnh một Hải Dương năng động, tương xứng với vị trí địa chính trị của mình.
Bài học đắt giá trong việc lựa chọn nhà đầu tư trước đó đã được tỉnh Hải Dương nhìn nhận nghiêm túc qua trường hợp Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark. Cuối năm 2016, Hải Dương đã quyết liệt xử lý những tắc nghẽn trong triển khai với phương án bán khu công nghiệp này để thu hồi nợ và dành cơ hội cho nhà đầu tư khác. Động thái này đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý, điều hành của lãnh đạo địa phương, tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư đến Hải Dương rót vốn.
Các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác tại Hải Dương cũng có dấu hiệu tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư và đưa vào khai thác. Dự án cầu Hàn, đường 62 m kéo dài, nút giao lập thể tại Ngã Ba Hàng giữa Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và đường tỉnh 390, đường 388 đoạn An Thái - Mạo Khê… đã phát huy tác dụng kết nối vùng miền, địa phương trong tỉnh.
Ngành du lịch của Hải Dương tiếp tục phát huy sức mạnh, khai thác được các giá trị văn hóa, lịch sử, thu hút thêm du khách. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc ngày càng phát huy được giá trị thương hiệu. Tuy vậy, du lịch Hải Dương vẫn cần được đầu tư, quan tâm nhiều hơn khi tỷ lệ đóng góp vào tổng GDP của tỉnh còn rất khiêm tốn, khi nhiều địa danh ngày càng mờ nhạt bởi cách làm du lịch, cách đầu tư… rất xưa cũ.
Một điểm sáng ấn tượng trong năm 2016 của Hải Dương là xuất khẩu nông sản khi vải thiều Thanh Hà vào được những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Australia và nhiều nước EU. Nếu năm 2015, Hải Dương chỉ có 20 ha vải quả đủ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu cùng hơn 100 ha vải quả đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường EU, Australia, Nhật Bản... thì năm 2016, số diện tích này tăng lên 250 ha. Giá trị đơn hàng không phải là lớn, nhưng đây là sự khởi đầu cho nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, của sự tiếp cận thương mại chất lượng cao trên thế giới. Đây còn là tín hiệu tích cực đưa thương hiệu nông sản của Hải Dương đến với các thị trường khó tính khác như Anh, Pháp..., mở thêm kỳ vọng cho ngành nông nghiệp của tỉnh trong những năm tới.
Hướng tới tương lai
Muốn đúng tầm vị thế, Hải Dương phải vươn mình mạnh hơn, hướng tới điểm mốc 2020. Trong thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số PCI. Phấn đấu trước năm 2020, Hải Dương đứng vào nhóm 20 tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất và nhóm 25 tỉnh, thành có Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tốt nhất.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hải Dương chủ trương đổi mới hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, bởi đây là cầu nối hữu hiệu và quan trọng để những ưu thế của tỉnh lan tỏa đến đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong thu hút đầu tư, Hải Dương sẽ không đuổi theo số lượng, mà coi trọng chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có yếu tố chuyển giao công nghệ. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, Hải Dương sẽ tạo lập những ưu thế mới trong thu hút đầu tư thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp.
Thế mạnh về nông nghiệp cũng được Hải Dương đẩy mạnh, gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hải Dương sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây, con giống, ứng dụng công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản, xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến.
Trong lĩnh vực dịch vụ, Hải Dương sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực thương mại, siêu thị, nhà hàng, du lịch, tài chính, vận tải, viễn thông, bảo hiểm, tư vấn, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao... Đồng thời, thực hiện ưu đãi và thu hút các dự án chế biến nông sản gắn với quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, nhất là ở khu vực có lợi thế như Thanh Hà, Gia Lộc, Kim Thành, Kinh Môn... để phát triển thành sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Hải Dương sẽ tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm như Dự án Xây dựng đường trục Bắc - Nam, Dự án Phát triển khu dịch vụ, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quy mô 300 ha tại di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu văn hóa - Thể thao tỉnh và Trung tâm huấn luyện bóng bàn, Dự án Xây dựng Khu hành chính tập trung tỉnh theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Qua đó, thúc đẩy giao thương, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, tạo động lực để Hải Dương phát triển mạnh mẽ.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp nhằm kích cầu du lịch thông qua việc tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở tiểm năng, thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh đó, Hải Dương còn đầu tư nâng cấp khả năng và chất lượng cung ứng du lịch, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch... Các hoạt động du lịch sinh thái sông Hương (Thanh Hà), Đảo cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện), múa rối nước - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Thanh Hải - Thanh Hà, Hồng Phong - Ninh Giang, Lê Lợi - Gia Lộc) sẽ được đầu tư bài bản hơn. Hải Dương cũng sớm đầu tư hình thành các tuyến thăm quan các làng nghề truyền thống Gốm Chu Đậu, gốm sứ Cậy, chạm khắc gỗ Đông Giao, mộc Cúc Bồ... nhằm liên kết dịch vụ du lịch, hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Thu hút đầu tư vào Hải Dương năm 2016
Hải Dương thu hút 51 dự án mới có vốn đầu tư trong nước, điều chỉnh vốn cho 29 dự án, với tổng vốn là 5.406 tỷ đồng (tăng 8 dự án và 2.842 tỷ đồng so với năm 2015).
Vốn FDI vào Hải Dương đạt trên 300 triệu USD, với 24 dự án mới, 35 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Đặc biệt, lượng vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đạt trên 360 triệu USD, tăng 52,3% so với năm 2015.
Thu từ thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước (kể cả thuế xuất nhập khẩu) của Hải Dương ước đạt 300 triệu USD, tăng gần 2 lần so với năm 2015.