Bài 3: Sáng kiến chính trị ở địa phương
Muốn cắt bỏ “khối u phình biên chế”, cần liều thuốc mạnh. Một số địa phương đã có sáng kiến chính trị và hành động đột phá để tuyên chiến với căn bệnh này.
Chuyện “người đội 5 mũ” ở Vĩnh Phúc
Trên vách tường nhà ông Nguyễn Hồng Thụ (thôn Yên Xuyên, xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) treo 2 chiếc mũ mềm màu xanh khác nhau dành cho công an và dân quân tự vệ. Không chỉ “đội” 2 chiếc mũ là công an xã và thôn đội trưởng, ông Thụ còn kiêm luôn chức danh Trưởng thôn, Quản lý Nhà văn hóa thôn và Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn.
Giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa cho người dân tại Trung tâm Hành chính công huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh |
“Trưởng thôn 5 trong 1” như ông Thụ không còn là chuyện lạ từ một năm nay tại huyện Vĩnh Tường. Trước đó, ngày 17/7/2017, Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND về “Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố”. Khi đó, ở thôn Yên Xuyên có tới 10 cán bộ, mỗi người “đội một chiếc mũ chức danh” khác nhau về chính quyền, đoàn thể, hội, nhưng đến nay, chỉ có 5 người kiêm nhiệm toàn bộ 14 chức danh. Bộ máy ở thôn nay đã gọn gàng, cơ động và xử lý nhanh các sự vụ phát sinh.
Công việc của ông Thụ giờ nặng nề hơn vì kiêm nhiệm nhiều. Ông tất bật từ sáng đến khuya, nhưng bù lại, ông được nhận mức trợ cấp 2,085 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mức 890.000 đồng trước khi kiêm nhiệm. Ông gọi đó là “tăng lương, tăng trách nhiệm”.
“Việc kiêm nhiệm nhiều chức danh hay lắm. Ví như chỉ một con bò, trước đây, khi báo cáo thành tích hàng năm, nhà có ông chồng làm công an viên báo cáo nuôi được 1 con bò, vợ làm hội phụ nữ cũng báo cáo nuôi được 1 con bò và cậu con làm đoàn thanh niên cũng báo cáo như vậy. Thế là xã thống kê nhà đó nuôi được 3 con bò. Nhưng nay khác rồi, chỉ có 1 con bò và tôi là người báo cáo”, ông Thụ cười khà khà.
Cũng là một xã nhỏ, xã Tam Phúc chỉ có 6 thôn, gần 4.000 dân và trước lúc có chủ trương kiêm nhiệm chức danh, có tới gần 100 cán bộ xã, thôn nhận phụ cấp. Giống như ông Thụ, chị Nguyễn Thị Thất, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Lập Trong, xã Tam Phúc được bầu và giao nhiệm vụ “Bí thư 5 trong 1” khi kiêm nhiệm cả các chức danh Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, Chi hội trưởng Chi hội Chữ Thập đỏ thôn, Trưởng ban Công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ Vay vốn.
“Trước đây, muốn triển khai một chủ trương, chính sách thuộc mặt trận đến người dân, phải thông qua đầu mối trung gian là Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, mất cả tháng họp 2-3 cuộc, qua 2-3 cấp. Còn giờ đây, mình tiếp thu và trực tiếp tuyên truyền đến nhân dân, vừa rút ngắn thời gian, vừa đảm bảo theo đúng chủ trương của cấp trên”, chị Thất nói.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, khắp nơi trong xã, người dân sôi nổi bàn luận về việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Hầu hết đều phấn khởi và đồng tình. “Đại đa số người dân đều hiểu rằng, sau sắp xếp, bộ máy sẽ tinh gọn hơn, đội ngũ công chức sẽ được cơ cấu lại phù hợp hơn. Từ đó, bộ máy hành chính cũng sẽ nhẹ gánh hơn và hiệu quả công tác được nâng cao, công việc của người dân được giải quyết nhanh hơn”, ông Mạnh khẳng định.
Bước đột phá “hợp nhất và nhất thể hoá” ở Quảng Ninh
Biết tôi vừa sang Trung tâm Hành chính một cửa chụp ảnh, quay về Phòng Nội vụ lấy số liệu rồi mới về Huyện ủy gặp mình, ông Nguyễn Anh Tú, Bí thư huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) cười: “Vài ngày nữa thôi, khối các văn phòng gồm Văn phòng Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Văn phòng UBND huyện, Văn phòng Mặt trận Tổ quốc được nhập vào thành Cơ quan tham mưu chung, sẽ tiết giảm được nhân sự, lương, chi phí thường xuyên rất lớn”.
Thì ra, Đề án xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện đã hoàn thành thí điểm 100% và đang thực hiện ở cấp tỉnh. Đây là một bước quan trọng trong Đề án “nhất thể hoá” mà Quảng Ninh đã thực hiện suốt 4 năm nay.
Cũng giống như mọi cuộc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy mà Quảng Ninh đã thực hiện, câu chuyện “sắp ghế, xếp người, phân việc” liên quan đến mỗi người đều được nâng lên, đặt xuống nhiều lần. Suốt 7 tháng ròng rã, từ 7h sáng hôm trước đến 2h sáng hôm sau, lãnh đạo và cán bộ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phải tính toán, nâng lên, đặt xuống, tranh luận quyết liệt để có được một đề án hoàn hảo nhất.
Mô hình hợp nhất Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chỉ là một “phân khúc” thuộc Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế của Tỉnh ủy Quảng Ninh. Trên thực tế, bước đột phá sáng tạo nhất của Quảng Ninh là nhất thể hoá, hợp nhất các cơ quan tương đồng về chức năng, nhiệm vụ.
“Các mô hình hợp nhất đã khắc phục được tình trạng “một việc nhiều người làm” trở thành “một người làm nhiều việc”. Nó cũng giống như các mô hình nhất thể hóa các chức danh tương đồng khác là rõ vị trí, gọn bộ máy, cán bộ tinh thông, bộ máy liên thông hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ TP. Hạ Long đánh giá.
TP. Hạ Long cũng chính là nơi đi đầu trong toàn quốc về thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường từ năm 2007. Đến nay, 17/20 phường của Hạ Long đã hoàn thành việc nhất thể hoá Bí thư kiêm Chủ tịch phường hoặc Chủ tịch HĐND. Còn Bí thư kiêm Trưởng khu phố thì đã thực hiện 100%.
“Điều đầu tiên có thể thấy rõ là giảm được các cuộc họp; triển khai các công việc nhanh chóng, thống nhất cao, không chồng chéo và tốc độ thực hiện công việc nhanh hơn rất nhiều. Mô hình này đã giúp phường Cao Xanh tiết kiệm chi phí khoảng 300 triệu đồng/năm”, ông Triệu Văn Nghĩa, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Cao Xanh cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Khu trưởng kiêm Bí thư Khu phố 6C, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, việc kiêm nhiệm, sắp xếp lại “tối thiểu 3, tối đa 7” ở cấp khu phố là cần thiết. “Như Khu 6C của chúng tôi có 221 hộ bao gồm 758 nhân khẩu, nhưng không cần tới 7 - 8 cán bộ, chỉ cần 3 người là công việc trôi chảy, hanh thông”, ông Lập nói.
Quảng Ninh đã thực hiện một “cú đột phá” trong cơ cấu lại bộ máy, giảm biên chế bằng việc nhất thể hóa, tăng cường kiêm nhiệm chức danh, khoán quỹ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách do chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, kiên quyết không tuyển dụng mới đối với những vị trí có chủ trương cơ cấu lại, chuyển đổi nhiệm vụ.
“Việc nhất thể hóa, hợp nhất này vừa bảo đảm tinh giản, bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân”, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá.
Khí thế mới
Sáng kiến “kiêm nhiệm chức danh” ở Vĩnh Phúc, “song nhất” ở Quảng Ninh như những hồi trống thúc giục các địa phương bước vào cuộc chiến chống căn bệnh phình biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước.
Đến hết tháng 6/2018, Quảng Ninh đã nhất thể hóa chức danh 9/14 chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện; 151/186 Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp xã; 1.536/1.565 Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Tỉnh này cũng đã tinh giản biên chế được 4.648 người, không chi trả phụ cấp thường xuyên cấp khu phố, thôn, bản đối với gần 19.000 người.
Tiếp nối làn sóng đó, Yên Bái đã tinh giản 3.857 biên chế, tiết kiệm được 415 tỷ đồng trong năm 2018; Bình Phước lên kế hoạch giảm 2.340 biên chế, giảm 57 cơ quan hành chính, 107 đơn vị sự nghiệp và 850 cấp trưởng, cấp phó... Ở Hòa Bình, ngoài việc giảm biên chế ở bộ máy nhà nước, đơn vị công lập, trường học, còn có sáng kiến sáp nhập 121 thôn, xóm, tổ dân phố để giảm số lượng cán bộ. Thanh Hóa đã sáp nhập 3.100 thôn, xóm, tổ dân phố. Còn Lào Cai, ngày 23/7/2018, đã chính thức sáp nhập Sở Giao thông - Vận tải và Sở Xây dựng.
“Nếu phân định rõ công việc, theo tính chất mỗi ngành, địa bàn, mạnh dạn sáp nhập các sở, phòng ở cấp dưới tại địa phương, tôi tin rằng, không chỉ giảm được 10% số công chức, viên chức vào năm 2021, mà có thể giảm nhiều hơn nữa”, TS. Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định.
Từ kết quả bước đầu nêu trên, giữa tháng 8/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18/NQ-TW. Theo đó, 6 mô hình thí điểm được nêu trong Kết luận của Bộ Chính trị đều được cụ thể hóa rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện. Căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương, Bộ Chính trị cho phép thí điểm 6 mô hình nhất thể hoá các chức danh trong Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức tương đồng.
Không chỉ vậy, kết luận sẽ là cơ sở, động lực nâng cao quyết tâm cho các địa phương để tiến hành tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, tiết kiệm chi phí thường xuyên, tạo cơ sở cho việc nâng cao đời sống của cán bộ, công chức qua việc cải cách chế độ tiền lương.