Đây là sự kiện quan trọng chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên được chính thức khởi công vào ngày 3/5/2020 nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo thành phố Hải Phòng cắt băng khánh thành Dự án. |
Dự án được chủ đầu tư UBND huyện Thủy Nguyên hoàn thành sau 5 tháng thi công, có chiều dài 3,488 km, nối Quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng 18 đến 22 m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè rộng 3-5 m, lát đá tự nhiên. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát. Riêng Khu bảo tồn bãi cọc có diện tích khoảng 30.680 m2, bao gồm các hạng mục: cổng chính; hệ thống tường bao; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che và hệ thống đường dẫn. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 362 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố trao Bằng xếp hạng Di tích thành phố đối với Di tích khảo cổ - lịch sử Bãi cọc Cao Quỳ. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng bên cạnh giá trị bảo tồn phát huy truyền thống của dân tộc trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, còn góp phần kết nối giao thông giữa các khu di tích dọc theo bờ hữu sông Bạch Đằng, Quốc lộ 10 với Khu di tích bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê. Kết nối việc khai thác các khu di tích lịch sử Bạch Đằng trên địa bàn từ thị trấn Minh Đức đến xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Từng bước thực hiện xây dựng và hoàn thiện đường vành đai phía Bắc huyện Thủy Nguyên từ đường tỉnh 359 tại đầu đập Minh Đức tới đường tỉnh 352 xã Lại Xuân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và các dịch vụ khác trên địa bàn.
Không chỉ mang ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, công trình còn thể hiện sự đồng tâm, đồng lòng giữa nhân dân và chính quyền trong việc gìn giữ phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là niềm tự hào của người dân Thủy Nguyên nói riêng, niềm tự hào của thành phố và đất nước nói chung.
Trước đó, vào năm 2019, việc phát lộ bãi cọc quý 1.000 năm tuổi tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) được coi là sự kiện văn hóa - lịch sử nổi bật nhất của thành phố Hải Phòng. 27 cọc gỗ có niên đại từ thời nhà Trần được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật đã đưa đến cho lịch sử Việt Nam một góc nhìn hoàn toàn mới.
Bãi cọc Cao Quỳ |
Chỉ sau gần 3 tháng kể từ khi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, chứng tích lịch sử liên quan tới cuộc chiến của quân, dân nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông năm 1288, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường vào và Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.
“Khu vực bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, cùng với Khu di tích Bạch Đằng Giang mãi trở thành Khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống trường tồn cùng dân tộc và trở thành một địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Thành khẳng định.