- Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng
Thành ủy, UBND Thành phố tập trung cao độ, dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo cho công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan thực hiện sơ kết 5 thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng. Năm 2024 cũng là năm nền tảng cho công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp của Thành phố.
Thành phố tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ cơ hội xúc tiến đầu tư, nhất là tăng cường xúc tiến đầu tư đối với các lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố cũng dành nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục…
Bên cạnh đó, Hải Phòng khẩn trương xây dựng, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng tới xây dựng các doanh nghiệp có khả năng hợp tác với các doanh nghiệp FDI trong các ngành, lĩnh vực chế biến, chế tạo với công nghệ cao, công nghệ xanh như điện - điện tử, chip, chất bán dẫn, logistics… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, tạo sức phát triển nội tại cho Thành phố.
Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là các nhiệm vụ:
Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố. Nghiên cứu đề xuất Đề án thành lập Khu thương mại tự do trong Khu kinh tế ven biển phía Nam. Nghiên cứu lập hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không tại huyện Tiên Lãng; xây dựng tuyến đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2.
Đồng thời, dành sự ưu tiên, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thành lập TP. Thủy Nguyên trực thuộc TP. Hải Phòng; thành lập quận An Dương.
Là người gắn bó với văn học nghệ thuật của Hải Phòng, đặc biệt là sân khấu kịch nói, tôi nhận thấy Hải Phòng có sự chuyển biến rất tích cực. Lãnh đạo Thành phố, cũng như lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao - cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị văn học nghệ thuật của Hải Phòng, đã rất năng động, tạo điều kiện cho các nghệ sỹ làm được nhiều việc.
Điều này mang lại lợi ích lớn cho các nghệ sỹ của Hải Phòng. Họ được cọ sát nhiều hơn cách làm đạo diễn, làm được nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn. Quan trọng là các khán giả của Hải Phòng được tiếp cận với rất nhiều tác phẩm lớn.
Hải Phòng đã mạnh dạn đầu tư cho văn học nghệ thuật. Đây là sự hỗ trợ quý báu cho sự phát triển văn hóa song hành với sự phát triển kinh tế của Thành phố. Tôi cho rằng, Hải Phòng xứng đáng là lá cờ đầu trong lĩnh vực nghệ thuật của các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện nay.
Bộ mặt đô thị Hải Phòng, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương khác được hoàn thiện. Cùng với văn hóa nghệ thuật phát triển, kết hợp với ẩm thực của Hải Phòng, là điểm cuốn hút du khách đến với miền đất này.
- Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng
Trong những năm qua, thực hiện nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hải Phòng luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa một cách toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.Việc Hải Phòng giữ được 5 đơn vị nghệ thuật (chèo, múa rối, cải lương, kịch nói, ca múa nhạc) là điều kiện thuận lợi để thực hiện mong muốn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thành phố đã ban hành Đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện đề án, Sở VHTT Hải Phòng đã tham mưu với thành phố tiếp tục duy trì thực hiện, phát huy các chương trình như “Sân khấu truyền hình”, “Sáng đèn Nhà hát Thành phố”; xây dựng các video tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử của Thành phố; số hóa di sản...
Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Hải Phòng; hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm văn hóa lớn, mang bản sắc riêng.
- Bà Trần Thị Quỳnh Trang, Bí thư Huyện ủy An Dương
An Dương là huyện cửa ngõ phía Tây của Hải Phòng, có 16 đơn vị hành chính cấp xã, trên địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua. Huyện có diện tích đất tự nhiên rộng, dân số đông; có hệ thống liên hợp các khu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Cơ cấu kinh tế của huyện đa dạng, hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, đồng bộ, tạo không gian đô thị hiện đại.
Là huyện có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, 2 bệnh viện lớn, do vậy, việc thực hiện Đề án thành lập đơn vị hành chính quận tại An Dương là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu khách quan của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân cư và lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố.
Căn cứ Quyết định 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, việc thành lập đơn vị hành chính quận sẽ giúp An Dương trở thành một trong 6 khu vực định hướng phát triển quan trọng của Hải Phòng trong tương lai, mở rộng khu vực đô thị về phía Tây Thành phố.
An Dương sẽ bổ sung các chức năng và hạ tầng đô thị nhằm giảm tải cho trung tâm đô thị lịch sử hiện tại của Thành phố. An Dương sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng trên tuyến đường trục chính đô thị.
Trên địa bàn An Dương hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn của Hải Phòng đã và đang được đầu tư phát triển mạnh như: KCN Tràng Duệ quy mô 401 ha, KCN Nhật Bản quy mô 153 ha, KCN An Dương quy mô 209 ha... là tiền đề quan trọng cho phát triển các trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm công nghiệp lớn của thành phố.
Sự phát triển và hoạt động mạnh mẽ của các khu công nghiệp tạo ra nguồn việc làm ổn định, giải quyết, thu hút nguồn lao động từ các khu vực lân cận cũng như các chuyên gia nước ngoài về sinh sống và làm việc tại địa phương.
- Ông Trịnh Bá Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Mỹ thuật Cát Bà
Theo góc nhìn của một người làm du lịch chuyên nghiệp và đầu tư, tôi nhìn thấy Hải Phòng có tài nguyên du lịch rất giá trị. Nếu Hải Phòng làm tốt bài toán quy hoạch du lịch một cách nghiêm túc, bài bản, tâm huyết, chính xác, thì Thành phố sẽ ngày càng phát triển.
Trong quá trình nghiên cứu về du lịch Hải Phòng, tôi đã định hình được mô hình mà tôi gọi là tam giác kim cương
Theo đó, cạnh tam giác đầu tiên chính là Thủy Nguyên. Thủy Nguyên nên được đầu tư thành một trung tâm lịch sử văn hóa, tôn giáo, tâm linh. Mà du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong tính bền vững và kết nối.
Cạnh thứ hai để làm kinh tế thật tốt là Đồ Sơn. Tại đây, Hải Phòng hãy làm kinh tế đêm vì Đồ Sơn nước biển không đẹp. Làm kinh tế đêm ở Đồ Sơn, chúng ta có không khí biển, những câu chuyện có sẵn khi được sắp xếp lại. Mọi người sẽ rất vui vẻ, từ Hà Nội về chơi 1 đêm, hay từ Hạ Long về đây cũng quá gần. Như vậy, tất cả các mô típ chúng ta nghĩ, làm là câu chuyện về kinh tế đêm và vì Đồ Sơn đã là một thương hiệu.
Cạnh tam giác cuối cùng là Cát Bà, hãy xây dựng thành mô hình sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng cao cấp. Chúng ta làm mọi thứ phải chọn lọc và cao cấp, phải tôn trọng thiên nhiên và làm đúng những thứ cần phải có.
- Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C
Hải Phòng có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở điểm cuối của chuỗi cung ứng, toàn bộ hàng hóa lưu thông khu vực miền Bắc sẽ phải đi qua Hải Phòng. Theo quan điểm của tôi, Hải Phòng có vai trò kiểu mẫu về phát triển bền vững. Nếu có thể chứng minh được hiệu quả của sự bền vững và có thể tăng trưởng bền vững, thì Hải Phòng sẽ thực hiện hiệu quả hơn rất nhiều so với tỉnh, thành khác.
Tại Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, chúng tôi tự hào đã kiến tạo tương lai. Theo đuổi phát triển bền vững vì chúng tôi tin, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đến Việt Nam đầu tư nếu họ có thể chứng minh cho các cổ đông rằng, đây là một điểm đến đầu tư bền vững.
Trong những năm gần đây, DEEP C đã trở thành minh chứng rõ nét của việc chuyển đổi hướng tới địa điểm đầu tư bền vững là hướng đi chiến lược đầy ý nghĩa. Cá nhân tôi tin rằng, hướng đi này có thể áp dụng chung cho toàn Việt Nam.
5 năm trước, DEEP C phải chứng minh rằng, Việt Nam là một điểm đến đầu tư. Đến nay, chúng tôi không cần phải chứng minh điều đó nữa. Câu hỏi đầu tiên mà nhà đầu tư hỏi chúng tôi là, DEEP C đã làm được gì, có hệ thống tính điểm ESG hay không, có cung cấp tín chỉ carbon không, có chứng minh rác thải được giải quyết thế nào không và có đảm bảo được rằng trong vòng 10 năm tới, toàn bộ năng lượng sử dụng là từ nguồn năng lượng xanh hay không? Nếu chúng tôi không trả lời tất cả các câu hỏi đó, sẽ không thể thu hút được những nhà đầu tư chất lượng cao như hiện nay.