Nguyên nhân nào khiến Hải Phòng ngập lụt?
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, năm 2018, trận mưa lớn nhất đạt 287 mm; năm 2021 trận mưa lớn nhất đạt 265 mm và trận mưa vừa ghi nhận được ngày 9/6/2024 là 335 mm (triều cường đạt đỉnh cùng với lũ về nâng mực nước tại các sông lên 4,2 m). Đây được đánh giá là trận mưa lớn nhất trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây.
Do lượng mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây nên tình trạng ngập lụt tại nhiều tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn các quận nội thành. Điển hình là các phố Đình Đông, Chùa Hàng, Tô Hiệu (quận Lê Chân) ngập từ 60 cm; Ngã 3 Lương Khánh Thiện - Nguyễn Khuyến thuộc quận Ngô Quyền hay khu vực 312 Hùng Vương, quận Hồng Bàng; Ngõ 2 Bùi Thị Từ Nhiên (quận Hải An); Đường Lê Hồng Phong (quận Hải An) bị ngập 50 cm và hàng loạt các tuyến phố bị ngập từ 30-40 cm... Chiều sâu ngập lụt tính từ tim đường từ 70-80 cm.
Một số nhà dân khu vực quân Hải An nước ngập 60 - 70 cm đến tận chiều 9/6. |
Mưa lớn ngày 9.6 kết hợp triều cường ở Hải Phòng khiến nhiều nơi phố hoá thành sông. |
Trong những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dẫn đến trên địa bàn thành phố thường xuyên xuất hiện mưa lớn có cường độ cao. Lượng mưa có cường độ cao kết hợp với nước biển dâng, trong khi cốt nền hiện trạng của các khu vực thuộc quận trung tâm tương đối thấp dẫn đến ngập lụt là không tránh khỏi.
Theo ông Phạm Quang Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, nguyên nhân chính của trận lụt “lịch sử” này là do lượng mưa đã vượt ngưỡng, bất khả kháng.
Thành phố Hải Phòng là địa phương có cao độ san nền thấp hơn so với mực nước triều cường, độ dốc ít nên chịu ảnh hưởng nhiều bởi thủy triều nhất là khi trời mưa. Bên cạnh đó, một số xóm ngõ, khu dân cư có cốt san nền thấp; các khu vực chịu ảnh hưởng của các dự án đang thi công hoặc chưa hoàn thiện việc đấu nối thoát nước, điển hình là khu vực quận Hải An, nơi mà hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Tại khu vực ngoại thành, tình trạng ngập lụt diễn ra ở nhiều địa bàn. Nhiều cánh đồng ngập trắng do nước sông dâng cao, hệ thống kênh mương thủy lợi không kịp tiêu thoát nước.
Người dân đi lại vẫn rất vất vả trên đường vào chiều 9/6, cho dù trời đã hết mưa. |
Còn theo đại diện Sở Xây dựng Hải Phòng, tình trạng ngập úng nội đô hiện nay diễn ra rất phức tạp. Nguyên nhân là do tác động của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của Hải Phòng nhanh là yếu tố đòi hỏi Hải Phòng tiếp tục cần có đột phá hơn trong quy hoạch và triển khai hệ thống thoát nước cho thành phố. Chính vì quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng như vậy đã dẫn đến nhu cầu xây dựng tăng cao, trong đó có việc san lấp ao hồ, kênh rạch dẫn đến diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa; khả năng thoát nước, tiêu thoát nước tự nhiên hay khả năng thẩm thấu tự nhiên bị giảm xuống; hệ thống thoát nước tại các khu vực trên lại chưa phát triển kịp.
Trận mưa lịch sử kết hợp triều cường ở Hải Phòng ngày 9/6 khiến nhiều nơi phố hoá thành sông. Ảnh đường Lạch Tray |
Chưa kể, mật độ dân số đông trong khi ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên vẫn còn hiện tượng xả chất thải, rác thải, vôi vữa gạch vỡ xuống các kênh, mương, cửa xả tiêu thoát nước khiến các miệng thu tiêu thoát nước bị thu hẹp, thậm chí bị bịt lại, gây ách tắc dòng chảy. Ví dụ, tuyến đường Lê Thánh Tông có nhiều xe công trình trong quá trình vận chuyển làm vương vãi nguyên vật liệu khiến cho nhiều hố ga tại đường này chứa đầy đất cát, rất khó thoát nước mưa.
Phát triển TP. Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng, dự án phát triển Thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc nhóm A đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý chủ trương, đang được triển khai tại quận Hồng Bàng, Hải An và huyện Thủy Nguyên, An Dương.
Với mục tiêu nhằm phát triển, tăng trưởng kinh tế, xã hội Thành phố, phát triển bền vững đô thị thông qua gói đầu tư tích hợp đa lĩnh vực tập trung vào kết nối đô thị và liên kết vùng, đảm bảo bền vững về môi trường, an ninh nguồn nước và giảm ngập úng đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực, nâng cấp không gian công cộng và nâng cao năng lực chống chịu của đô thị.
Thành phố tương lai Thủy Nguyên sẽ đổi khác nhờ có sự góp phần từ một số hạng mục của dự án. |
Dự án gồm có 4 hợp phần, hợp phần 1 nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị Thủy Nguyên (Thành phố mới, trung tâm chính trị, hành chính mới của TP. Hải Phòng) thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp phần 2 tiến hành nâng cấp vệ sinh môi trường lưu vực sông Rế; hợp phần 3 có mục tiêu giảm ngập lụt đô thị trung tâm; hợp phần 4 nhằm phát triển hệ thống và năng lực để cải thiện đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, hợp phần 1 sẽ đầu tư tuyến đường vành đai 3 với tổng chiều dài khoảng 16,9km, điểm đầu tuyến tại Km104+800 đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (quận Hải An), điểm cuối tuyến tại Km13+700 Quốc lộ 10 (huyện Thủy Nguyên). Trên tuyến có 4 nút giao, trong đó có 2 nút giao khác mức (với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và với quốc lộ 5), 2 nút giao cùng mức (với đường tỉnh 359 và với quốc lộ 10). Trên tuyến có 3 cầu gồm cầu Ngô Quyền vượt qua sống Cấm rộng 32 m; cầu qua sông Ruột Lợn rộng 32 m; cầu vượt quốc lộ 5B kết nối với đường liên phường rộng 17,5 m. Tập trung nâng cấp hạ tầng sông Rế từ cầu Rế 2 đến cổng Cái Tắt, chiều dài khoảng 9,5 km; nâng cấp cải tạo, xây dụng bờ kè sông Rể (hai bên bờ sông) khoảng 10,96 km.
Hợp phần 2 sẽ xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải hai bên bờ sông Rế với 17,3 km đường cống tự chảy; 1,4 km cống áp lực và 12 trạm bơm nước thải dọc theo đường quản lý sông Rế và tuyến ống bơm truyền tải dẫn về nhà máy xử lý nước thải An Dương 1 (Hoàng Mai) tại xã Đồng Thái thuộc huyện An Dương, giáp đê tả sông Lạch Tray; xây dựng khoảng 11,6 km mạng lưới cống cấp 3 thu gom nước thải hộ gia đình để đấu nối đồng bộ với tuyến cống thu gom nước thải. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải An Dương 1 (Hoàng Mai) giai đoạn 1 công suất 10.000 m3/ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý đạt loại B và sẽ được xả vào sông Lạch Tray. Đồng thời, trang bị cho các hệ thống quản lý rủi ro ngập lụt đô thị, quản lý chất lượng nguồn nước và môi trường khí trong phạm vi đầu tư của dự án.
Hợp phần 3 của dự án nhằm mục tiêu giảm ngập lụt đô thị trung tâm. Trong đó, xây dựng 1 cổng điều tiết tại vị trí cầu Tam Bạc và 1 cổng điều tiết tại mom Thủy Đội kết hợp với trạm bơm nước công suất 12 m3/s. Cửa điều tiết tại các vị trí có bề rộng khoảng 60-90 m. Cùng với đó, xây dựng, cải tạo các tuyến cống; cải tạo các tuyến cống chính đường Điện Biên Phủ, tuyến Cầu Đất - Nguyễn Đức Cảnh, Lãn Ông, tuyến Hai Bà Trưng - tuyến Trần Nguyên Hãn - Tam Bạc, tuyến Hoàng Diệu - Nguyễn Tri Phương, tuyến cống nối hồ Tam Bạc và sông Tam Bạc. Tổng chiều dài cống thoát nước mưa được xây dựng và cải tạo là 4,6 km; xây dựng hệ thống thu gom nước thải bao gồm các tuyến cống thu gom nước thải và các trạm bơm nước thải từ 2 bên sông Tam Bạc dẫn về nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm, với khoảng 2,6 km cống thu gom nước thải, các giếng tách nước thải, 5 trạm bơm nước thải.
Hợp phần 4 nhằm phát triển hệ thống và năng lực để cải thiện đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, để nâng cao năng lực quản lý rủi ro ngập lụt sẽ thiết lập hệ thống quản lý rủi ro ngập lụt tích hợp, bao gồm cả hệ thống cảnh báo sớm, các trạm đo thủy văn, mực nước sông, hồ điều hòa, hệ thống giám sát dữ liệu... cho quận Hồng Bàng, huyện Thủy Nguyên, An Dương.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 9.857,06 tỷ đồng, tương đương khoảng 412,84 triệu USD. Trong đó, vốn vay IBRD của Ngân hàng Thế giới là 6.550,41 tỷ đồng (khoảng 274,35 triệu USD), chiếm 66,45% tổng mức đầu tư dự án để chi phí cho việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của hợp phần 1, hợp phần 2, hợp phần 3. Vốn đối ứng trong nước là 3.306,65 tỷ đồng (khoảng 138,49 triệu USD), chiếm 33,55% tổng mức đầu tư dự án, để chi phí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí thuế, lãi vay và các chi phí khác hỗ trợ thực hiện dự án trong quá trình thực hiện. Nguồn vốn này do ngân sách thành phố bố trí và được phân kỳ thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.
Dự án sẽ góp phần quan trọng giảm ngập lụt đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu cho đô thị nội đô Thành phố Hải Phòng bằng các hoạt động xây dựng và nâng cấp cải tạo hệ thống tiêu thoát nước. Đồng thời, cải thiện điều kiện môi trường theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, kết hợp giữa thoát nước, cải thiện vệ sinh môi trường, phát triển không gian và tạo môi trường cảnh quan đô thị, tạo động lực phát triển xanh và các dịch vụ tiên nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nội đô, hai bên bờ sông Rế nói riêng và Hải Phòng nói chung.