Phiên họp sáng 11/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Sáng 11/12, tiếp tục phiên họp thứ 40, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Trình bày nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dự kiến xem xét 31 nội dung thuộc công tác lập pháp, 7 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 7 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Dự kiến Quốc hội làm việc 26 ngày, trong đó đợt 1 chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn. Đợt 2 chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Bên cạnh các nội dung theo thông lệ, ông Tùng cho biết, theo quy định tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội thông qua điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2025.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội không quy định thời điểm cụ thể Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2025. Tuy nhiên, việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các quy hoạch. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị thể hiện trong dự kiến nội dung Kỳ họp theo hướng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua nội dung này tại Kỳ họp thứ 9 (nếu Chính phủ trình).
Về thời gian, dự kiến Quốc hội họp từ ngày 20/5 đến cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2025.
Kỳ họp này không nên kéo dài sang tháng 7, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến.
Tán thành về thời gian không kéo dài sang tháng 7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Kỳ họp thứ 9 dự kiến thông qua 10 luật, thảo luận mới 12 luật khác, khối lượng công việc là rất lớn, có thể bố trí làm việc cả thứ bảy.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Thủ tướng đã phân công chuẩn bị 50 báo cáo, tờ trình để gửi Quốc hội cho kịp thời gian.
Chính phủ dự kiến sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 2 năm sau, ông Sơn nói thêm.
Về tổng kết Kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến tại phiên họp đánh giá sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp.
Các hoạt động tại Kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong đó, đã có 2.521 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp Tổ; có 1.140 lượt đăng ký, trong đó có 855 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 90 lượt tranh luận, theo Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng.
Tuy nhiên, Tổng thư ký nhìn nhận, chương trình Kỳ họp được điều chỉnh một số lần, trong đó, có các nội dung được bổ sung vào Chương trình Kỳ họp trong thời gian rất gấp, làm bị động cho các cơ quan của Quốc hội trong việc tổ chức thẩm tra và các vị đại biểu Quốc hội trong nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến phát biểu; việc bố trí thời gian tiến hành một số phiên họp chưa phù hợp.
Khá nhiều hồ sơ, tài liệu trình kỳ họp được đóng dấu mật trong khi nội dung có thể cân nhắc không nhất thiết phải xác định độ mật, làm ảnh hưởng đến công tác thẩm tra và nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội - ông Tùng nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Kỳ 8 là kỳ họp rất đặc biệt, không có tổng thư ký Quốc hội, trong khi đó công việc rất nặng nề, nội dung đột xuất quan trọng phát sinh rất nhiều do chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, gần ngày cuối vẫn trình thêm nội dung.
Thủ tướng có rất nhiều thư, các cơ quan phối hợp rất tốt, hầu hết các ủy của Quốc hội làm việc ngoài giờ, sớm thì 22h mới về, sáng đưa tài liệu chiều họp thẩm tra, sáng hôm sau trình Quốc hội - ông Định nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần hạn chế tối đa việc bổ sung gấp gáp nội dung vào chương trình kỳ họp, khi mà một số nội dung có thể chuẩn bị sớm hơn.