Thời sự
Hàng chục tỷ USD hàng hóa Hàn Quốc tràn vào Việt Nam
Thế Hải - 05/09/2015 08:40
Hàn Quốc đã cung ứng gần 18,8 tỷ USD thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu và các loại hàng hóa khác cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015.

Nhập khẩu từ Hàn Quốc cao gấp 3,7 lần xuất khẩu

Với giá trị nhập khẩu này, Việt Nam đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường nước ngoài lớn thứ tư đối với các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2015.

Số liệu do Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho thấy, 8 tháng của năm 2015, giá trị hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt gần 18,8 tỷ USD, vượt mức hơn 15 tỷ USD mà Hàn Quốc xuất sang Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam vượt mức xuất khẩu của nước này sang Nhật Bản.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập hàng hóa trị giá 18,8 tỷ USD từ Hàn Quốc

 

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 3,89 tỷ USD, tăng 38,9% so với cùng kỳ. Tiếp đến là máy móc, thiết bị với giá trị nhập khẩu 3,12 tỷ USD, tăng mạnh 81%.

Trong khi đó, nhập khẩu điện thoại và các loại linh kiện từ Hàn Quốc cũng lên tới 1,48 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2014, nhập khẩu sắt thép từ Hàn Quốc là 701 triệu USD, tăng 92,6 so với cùng kỳ… Với mặt hàng sản phẩm chất dẻo, nhập khẩu cũng tăng tới 44%, đạt 620 triệu USD.

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc 8 tháng qua mặc dù tăng hơn 16,5% nhưng mới đạt 5,1 tỷ USD (chưa bằng 1/3 nhập khẩu từ thị trường này). Dệt may là nhóm hàng xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này với trị giá đạt 937,7 triệu USD, chiếm 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt mức tăng trưởng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện, đạt giá trị  542,2 triệu USD, tăng 184,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc xuất khẩu điện thoại chỉ là gia công lắp ráp (hầu hết linh kiện nhập từ Hàn Quốc, sau đó xuất lại sang thị trường này), giá trị gia tăng rất ít.

Một số nhóm hàng khác có kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt khá như các loại nguyên nhiên liệu, khoáng sản, dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ...

Nhập khẩu còn tăng tăng mạnh khi  VKFTA có hiệu lực

Việt Nam - Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (VKFTA) từ tháng 5/2015, theo lộ trình, đầu năm 2016, VKFTA sẽ chính thức có hiệu lực.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) cho rằng, Hàn Quốc là thị trường cung ứng vải, các nguyên phụ liệu dệt may chất lượng cho Việt Nam, khi các dòng thuế cắt giảm theo cam kết VKFTA với mức thuế rất thấp, chắc chắn nhập khẩu những mặt hàng này từ Hàn Quốc còn tăng hơn nữa.

Hiện Hugarco đang giao thương với 20 khách hàng Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu hơn 35 triệu USD, như vậy, khi xuất khẩu tăng lên, nhập khẩu sẽ gia tăng tương ứng để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ngành dệt may đã nhập khẩu gần 8 tỷ USD vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày  trong 7 tháng của năm 2015, trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc, với giá trị nhập khẩu lên tới 1,37 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, ngay khi VKFTA có hiệu lực, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, chiếm gần 14% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, cán cân giữa xuất khẩu và nhập khẩu với Hàn Quốc ngày càng có sự chênh lệch rõ. Sự mất cân đối về cơ cấu thể hiện ở chỗ hàng xuất sang Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm thô như dầu, than, cao su, thủy hải sản và những mặt hàng có giá trị thấp như dệt may, da giày… nhưng Việt Nam lại nhập các sản phẩm có giá trị lớn từ thị trường này, bao gồm: linh kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam lắp ráp, nhập khẩu ô tô phục vụ thị trường trong nước, máy móc thiết bị… Điều này khiến nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc dự báo tiếp tục gia tăng nhanh chóng trong năm 2016 và những năm tới.

Tin liên quan
Tin khác