Nhưng nếu nhìn vào bảng danh sách doanh nghiệp xuất khẩu điển hình trong 5 tháng qua, ngành dệt may Việt Nam chưa thể vui, bởi trong 50 doanh nghiệp nắm giữ giá trị xuất khẩu lớn và điển hình được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thống kê, có tới hơn 2/3 doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc hoặc liên doanh, còn lại là doanh nghiệp Việt Nam và một vài doanh nghiệp 100% vốn Hồng Kông.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn tiếp đà tăng khá trong những năm gần đây. Số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) ước tính, 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tăng 9% so với cùng kỳ, đạt gần 800 triệu USD.
VKFTA là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh: Đức Thanh |
Việt Nam giữ vị trí là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai vào Hàn Quốc, chiếm 25,1% tổng giá trị nhập khẩu hàng may mặc của Hàn Quốc, đứng sau Trung Quốc và chiếm hơn 1/4 thị trường may mặc của nước này. Đứng sau Việt Nam lần lượt là Indonesia và Myanmar, Italia, Bangladesh và Campuchia.
Cơ hội cũng như động lực gia tăng xuất khẩu dệt may sang thị trường Hàn Quốc càng thấy rõ khi vừa qua, hai bên đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Theo đó, từ ngày 1/1/2016, khi VKFTA chính thức có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng dệt may của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc sẽ được hưởng thuế suất 0%, thay vì chịu thuế suất 8-13% như hiện tại.
Đây được xem là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Đại diện Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtex-HCM) thừa nhận, thị trường Hàn Quốc đang rất rộng mở cho dệt may Việt Nam, nhưng cũng cho rằng, Hàn Quốc không phải “miền đất hứa” cho số đông doanh nghiệp. Xuất khẩu sang Hàn Quốc hiện có thể hiểu như “người nhà chơi với nhau”, bởi trong 600 doanh nghiệp dệt may có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, thì có tới 500 doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, còn Việt Nam chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp.
Nhưng một điểm dễ nhận thấy là, dù số doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm số ít trong tổng số 6.000 doanh nghiệp hiện có trong ngành dệt may, nhưng đó đều là những đơn vị có năng lực sản xuất tốt, duy trì được lợi thế xuất khẩu, chất lượng sản phẩm khá và được đối tác đánh giá cao.
Hai doanh nghiệp trong nước có giá trị xuất khẩu cao sang Hàn Quốc là Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư - Thương mại Thành Công với 5 triệu USD và Tổng công ty cổ phần Dệt May Đồng Nai (Donagamex) với 4 triệu USD.
Theo ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Donagamex, Hàn Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của May Đồng Nai, chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đó là lý do khiến Công ty sẽ tiếp tục đầu tư lớn để tập trung khai thác thị trường Hàn Quốc trong những năm tới.
Thuận lợi của Donagamex là có nhiều năm làm ăn với Hàn Quốc và có sẵn đối tác, am hiểu về thị trường, nên khả năng gia tăng nhanh xuất khẩu là rất lớn. Trong khi đó, Thành Công lại sẵn lợi thế là có liên doanh với đối tác Hàn Quốc và một lượng hàng hóa của đơn vị sản xuất ra để phục vụ thị trường này.
Liên đoàn Dệt may Hàn Quốc (Kofoti) đánh giá, khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc ngày càng được nâng cao. Minh chứng rõ ràng nhất là, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc liên tục tăng cao trong vài ba năm trở lại đây. Nếu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc mới đạt 1,1 tỷ USD, thì năm 2013 đã tăng lên 1,9 tỷ USD, năm 2014 là 2,4 tỷ USD.
Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugarco) cho biết, Hugarco đang giao thương với 20 khách hàng nhập khẩu Hàn Quốc, với giá trị xuất khẩu năm 2014 tới 35 triệu USD trong tổng số 350 triệu USD tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Hugarco, Hàn Quốc là thị trường khó tính và mỗi đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này lớn nhất chỉ lên tới 10.000 sản phẩm.
“Hugarco xác định, Hàn Quốc là thị trường mà doanh nghiệp có thể làm ăn được, nhưng cũng không phải dành cho tất cả các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp quen làm hàng số lượng lớn đi Mỹ, châu Âu… thường ngại những đơn hàng nhỏ”, ông Dương nói.