Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại Ảnh: Đ.T |
Gia tăng số vụ điều tra phòng vệ thương mại
Gần như tháng nào cũng có một vài vụ kiện mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây không còn là câu chuyện mới những năm gần đây, khi quy mô thương mại của nước ta liên tục mở rộng.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thống kê, tính đến tháng 10/2022, hàng hóa Việt Nam là “đối tượng” của 224 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường nước ngoài; riêng 11 tháng của năm 2022, có 16 vụ việc.
Trong đó, Mỹ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (43 vụ), tiếp đến là ASEAN (42 vụ), Ấn Độ (29 vụ)...
Nếu trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị dính kiện, thì nay, cả những nhóm hàng xuất khẩu với kim ngạch không đáng kể cũng dễ dàng bị kiện. Ngoài Mỹ, EU, Australia…, động thái sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đã lan sang cả những nước mới có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như Mexico, Canada.
Gần đây nhất, Mỹ đã khởi kiện 2 mặt hàng của Việt Nam, gồm sản phẩm bìa kẹp hồ sơ (biên độ bán phá giá cáo buộc với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ 182,67 - 236,38%) và sản phẩm ghim dập nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, tháng 8/2022, Mexico quyết định áp thuế sơ bộ thép mạ Việt Nam từ 0 đến 12,34% sau gần 1 năm khởi xướng điều tra. Đây là vụ việc đầu tiên Mexico khởi kiện và tiến hành áp thuế với hàng hóa nước ta.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN lưu ý, cùng với các vụ khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, gần đây, số vụ khởi kiện chống lẩn tránh phòng vệ thương mại cũng gia tăng.
Việt Nam đang phải chịu điều tra của Mỹ đối với sản phẩm ván ép gỗ cứng. Hiện nay, Mỹ áp dụng mức thuế gần 200% với sản phẩm ván ép gỗ cứng từ Trung Quốc, nên nếu doanh nghiệp Việt không chứng minh được mặt hàng ván ép không có hành vi lẩn tránh thuế (bằng dữ liệu cụ thể), thì mặt hàng này có nguy cơ bị áp dụng mức thuế tương đương sản phẩm của Trung Quốc.
Bảo hộ là xu hướng tất yếu
Khi kim ngạch xuất khẩu gia tăng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các vụ việc điều tra ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, không phải cứ bị khởi kiện là sẽ bị áp thuế hoặc bị áp thuế cao như cáo buộc. Nhờ quá trình tham gia trả lời các câu hỏi và làm rõ nội dung theo yêu cầu từ nước khởi kiện của các doanh nghiệp Việt, trong một số vụ việc, đã có quốc gia dừng điều tra với hàng hóa Việt Nam.
Cụ thể, Australia đã chấm dứt nhiều vụ việc như điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ống thép chính xác, chống bán phá giá dây đai thép phủ màu, ống đồng... Ấn Độ, Malaysia, Indonesia cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh… Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc chỉ bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Có thời điểm, sản phẩm mật ong của Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 400%, nhưng Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xử lý hiệu quả, nên mức thuế áp dụng chống bán phá giá mật ong giảm 7 lần, chỉ còn 58 - 62%, tùy doanh nghiệp.
Tất nhiên, các cuộc điều tra phòng vệ gia tăng tạo ra gánh nặng lớn với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, hiệp hội liên quan, do lượng dữ liệu, thông tin phải cung cấp tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần trong cùng một khoảng thời gian.
Tại Tọa đàm Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thuộc top 30 của thế giới, nên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Do đó, theo ông Trung, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động lưu trữ hồ sơ, dữ liệu cho các lô hàng xuất khẩu đi từng thị trường; đối với từng vụ việc, nên hợp tác với cơ quan điều tra để chứng minh rằng, mình không bán phá giá, không nhận trợ cấp; cung cấp thông tin kịp thời theo đúng thời hạn, thuê các công ty luật có uy tín soạn thảo bộ hồ sơ để giải trình với cơ quan điều tra của nước khởi kiện…