Để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao, một yếu tố quan trọng là tăng năng suất lao động. Ảnh: Đ.T |
Câu hỏi lớn về bẫy thu nhập trung bình
“30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới” là chủ đề tọa đàm đối thoại chính sách quý I/2024 do Trường đại học Kinh tế quốc dân và Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản phối hợp tổ chức mới đây.
Phát biểu đề dẫn, GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nêu rõ, trong hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường. Từ nền kinh tế đóng và thay thế nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất và định hướng xuất khẩu trên thế giới, chuyển từ nền kinh tế thu nhập thấp dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế có thu nhập trung bình.
Tiếp nối thành công đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu Việt Nam trở thành “quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao” vào năm 2030 và “quốc gia phát triển có thu nhập cao” vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân 7%/năm trong vòng 20 năm tới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và toàn diện hơn, cam kết giảm 30% lượng khí thải metan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo đánh giá chung của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, tăng trưởng mà Việt Nam có được trong thời gian qua phần lớn là do tác động của tự do hóa đúng thời điểm, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên phong phú, lao động dồi dào.
Sau khái quát trên, GS-TS Phạm Hồng Chương đặt vấn đề: “Liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, dần bước vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao, như Hàn Quốc và Đài Loan đã làm được trong thời gian qua, hay chúng ta lại bước theo vết xe đổ của một số quốc gia khác sau một thời gian dài vẫn loay hoay chưa thể thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình, hay rơi vào bẫy thu nhập trung bình?”.
“Giai đoạn 2024-2030 là thời kỳ quyết định để Việt Nam chuyển mình theo tinh thần của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đây là thời mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế nước ta, đặc biệt là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do vậy, nhìn nhận, đánh giá các thành quả phát triển trong 3 thập kỷ qua cũng như phân tích những thách thức mới và khả năng ứng phó của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng”, GS-TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
GS-TS Ngô Thắng Lợi (Trường đại học Kinh tế quốc dân) nhìn nhận, trong hơn 30 năm qua, Việt Nam luôn đặt mục tiêu cao về tăng trưởng kinh tế, cũng như công bằng xã hội và luôn đạt nhiều mục tiêu đề ra.
Theo đó, trải qua 30 năm với những thăng trầm trong quá trình phát triển, nhưng Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao. Các chỉ tiêu phản ánh thành quả tiến bộ xã hội có xu hướng được cải thiện tích cực cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh.
Việt Nam đã vượt qua 2/3 “cửa ải” lớn, đó là đảm bảo được an ninh lương thực và vượt qua được mức thu nhập trung bình thấp, xây dựng được nền tảng cho một nước công nghiệp. Cửa ải thứ ba chưa vượt qua được là việc trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Tuy nhiên, GS-TS Ngô Thắng Lợi nhìn nhận, quá trình phát triển của Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập khi tăng trưởng đang có dấu hiệu “hụt hơi” theo thời gian. Biên độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội.
Cần tăng tỷ lệ R&D/GDP
GS-TS Ngô Thắng Lợi cho rằng, Việt Nam không thể không tăng trưởng nhanh, nhưng phải gắn với chất lượng tăng trưởng. Điều này đòi hỏi phải có mô hình phát triển hài hòa nhằm đạt tác động tốt nhất từ tăng trưởng cho tiến bộ xã hội. Trong đó, bệ đỡ của phát triển hài hòa chính là thể chế phát triển hài hòa.
Trong những định hướng chính sách được đề xuất, ông Lợi nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nhanh cho vùng động lực, đồng thời xây dựng chính sách kết nối vùng động lực với các vùng khác, đặc biệt là các vùng chậm phát triển, để họ trực tiếp tham gia quá trình tạo thu nhập.
Về phát triển bao trùm ở góc độ doanh nghiệp, khuyến nghị của GS-TS Ngô Thắng Lợi là phải tạo sân chơi bình đẳng cho cả 3 loại hình doanh nghiệp, chú trọng hơn nữa chính sách cho khu vực tư nhân, đề cao vai trò của các “sếu đầu đàn”. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và người dân vào qũy đạo các doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó, Việt Nam có thể từ mức thu nhập trung bình cao vươn lên mức thu nhập cao vào năm 2045 hay không, đâu là điều kiện để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới, là nội dung được GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) bàn luận.
Về chiến lược và chính sách để phát triển đạt mức thu nhập cao, ông Thọ cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất. Chính thức hóa khu vực phi chính thức và tăng quy mô doanh nghiệp để đẩy mạnh tích lũy tư bản và cách tân công nghệ. Cải cách và phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu. Chú trọng cung cấp lao động có kỹ năng và khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu.
Theo GS. Trần Văn Thọ, trong khoảng một thập niên tới, việc mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực là các yếu tố tăng năng suất. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn.
Ông Thọ nhìn nhận, Việt Nam đã nhận thấy sự quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng nỗ lực chưa cao. Theo ông, cần tăng tỷ lệ R&D/GDP, hiện nay mới chỉ 0,7%. Đồng thời, nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia R&D.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng năng suất để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao, ông Thọ khuyến nghị, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển hoán cơ cấu và liên tục tăng năng suất sẽ làm cho Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Đây là điều kiện để Việt Nam tránh được vị trí của chiếc bánh sandwich - trường hợp của một nước không cạnh tranh được với nước đi sau có chi phí sản xuất rẻ hơn, nhưng chưa cạnh tranh được với nước đi trước. Nói cách khác, con đường lý tưởng cho tương lai là liên tục chuyển cơ cấu lợi thế so sánh lên cao hơn”, GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh.
Theo ông Kenichi Ohno, giáo sư danh dự Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, có rất nhiều biểu hiện về bẫy thu nhập trung bình với Việt Nam, như tăng trưởng chậm lại ở mức thu nhập trung bình; thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao; năng suất lao động và Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) ở mức trung bình; phụ thuộc nhiều vào vốn FDI và tham gia mờ nhạt vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đối phó với những vấn đề đó, ông Kenichi Ohno cho rằng, Việt Nam cần nâng cao năng lực lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị kinh tế, đồng thời tích cực thúc đẩy công nghệ và đổi mới với ít quan liêu hơn.