Cung đường từ Islamabad đến Hunza (Pakistan) rất cheo leo, hiểm trở, nhưng được dân du lịch mạo hiểm ưa thích |
Cao tốc trên đỉnh Tuyết Sơn
Việc Hãng hàng không quốc gia Pakistan không thể thực hiện được chuyến bay từ Islamabad (Thủ đô Cộng hòa Hồi giáo Pakistan) đến sân bay Gilgit, thủ phủ của vùng Gilgit vào sáng 3/4/2023 vì lý do thời tiết xấu lại mở ra cho tôi cơ hội trải nghiệm bằng đường bộ hiếm có tới Hunza.
Nằm cách Islamabad khoảng 800 km đường bộ, Hunza chính là vùng đất khơi nguồn cảm hứng để tiểu thuyết gia James Hilton sáng tạo ra thung lũng Shangrila huyền thoại trong cuốn tiểu thuyết lừng danh năm 1933.
Hunza cũng chính là “ngôi sao” trong chuyến thực địa 10 ngày tìm hiểu cơ hội mở đường bay Pakistan của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mà một số nhà báo theo dõi lĩnh vực giao thông như tôi có cơ hội góp mặt.
Mặc dù so với hành trình của ngài James Hilton, trải nghiệm lên với “mảnh thiên đường còn sót lại của hạ giới” nằm ở lưng chừng dãy Hymalaya hùng vĩ của đoàn chúng tôi nhanh hơn và cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều, nhưng với hơn 2 ngày bị ních trên chiếc xe Toyota Coaster 26 chỗ, vượt gần 1.500 km cả đi và về thực sự là một thử thách không hề dễ chịu.
Ngoại trừ đoạn từ Islamabad đến Abbottabad dài khoảng 116 km là cao tốc 4 - 6 làn xe, phần lớn đoạn đường còn lại lên Gilgit và sau đó tới Karimabad (thủ phủ vùng Hunza) đều là đường 2 làn xe nhỏ hẹp. Nhiều đoạn đường thuộc chặng Abbottabad - Besham dài 272 km chênh vênh như đường sạn đạo, lái xe chỉ cần không chắc tay là có thể trôi tuột xuống dòng sông Ấn nằm dưới đó cả trăm mét.
Theo anh Karim Ahmed, Giám đốc Công ty du lịch Hunza Explorers, tại Pakistan, thuế nhập khẩu xe ô tô rất cao, nên phần lớn các xe khách đều có tuổi đời khá cao. Có lẽ bởi vậy mà trong gần 10 ngày ở Pakistan, rất hiếm khi chúng tôi bắt gặp những chiếc xe du lịch 45 chỗ hiện đại như “Boeing mặt đất” tại Việt Nam. Phần lớn xe khách mà chúng tôi bắt gặp đều là xe đã qua sử dụng của Nhật Bản loại vừa và nhỏ, hành lý của khách đều được chất hết lên nóc xe như tại Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước. Với những khách lạ như tôi, mỗi lần xe vào cua gắt lại thon thót lo đống hành lý trên nóc xe bị văng xuống vực.
Mặc dù lộ trình tới Besham không quá dài, nhưng địa điểm này gần như là chặng dừng chân nghỉ đêm bắt buộc trên hành trình đường bộ tới Hunza do chất lượng đường không tốt và có thể bị tắc đường nhiều giờ do đá núi sạt lở. Mặt đường vốn dĩ đã không tốt, lại bị cày xới bởi các đoàn xe tải nặng phục vụ thi công công trường xây dựng đập thủy điện lớn nhất Pakistan trên sông Ấn.
Những cú xóc nẩy người cũng dần bị khỏa lấp bởi cảnh vật đặc sắc hai bên đường cùng hình ảnh vui mắt của những chiếc xe tải bạn được sơn vẽ giống như con công sặc sỡ khổng lồ. Trên những chiếc xe này, nắp cabin có mái bằng gỗ vươn ra như chiếc vương miện, ngược với quy tắc khí động lực học, được tô vẽ màu mè bằng nhiều họa tiết chim cò, cây cỏ, thậm chí là những điển tích tôn giáo.
Ngay tại thùng xe hay gác chắn cũng được trang trí thêm chuông, chùm cờ phướn đa màu và khi xe lăn bánh, những âm thanh leng keng cất lên vui tai như những rạp xiếc di động.
Đoạn đường Besham - Gilgit - Karimabad mới thực sự ấn tượng. Nằm trong tuyến cao tốc Karakoram nổi tiếng, vốn là một phần của tuyến đường tơ lụa cổ xưa kết nối Trung Quốc - Pakistan/Ấn Độ - Afghanistan - Iran - Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Karakoram hiện là tuyến đường trải nhựa quốc tế cao nhất trên thế giới, dài 1.290 km, nối các tỉnh Punjab, Khyber Pakhtunkhwa và Gilgit-Baltistan Pakistan với khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Từ Passu, chỉ đi thêm chưa tới 100 km nữa là sẽ tới Sost - thị trấn cuối cùng trước khi tới cửa khẩu Khunjreab ở biên giới Pakistan và Trung Quốc. Tại đây, những đoàn xe vận tải hàng hóa với những dòng chữ Trung Quốc ở hai bên thành xe xuất hiện ngày một nhiều. Nếu không bị tác động của dịch Covid-19, Karakoram chắc chắn sẽ là cung đường sôi động bậc nhất trong sáng kiến “Một vành đai - một con đường” do Trung Quốc khởi xướng.
Rất khó để coi đây cao tốc đúng nghĩa, nhưng tuyến đường huyền thoại này nằm ở độ cao 4.000 - 4.600 m so với mực nước biển, trải dài dọc theo dãy núi Karakoram hùng vĩ, rất hiểm trở, chênh vênh, dễ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất đá… đang được người dân Pakistan tự hào là kỳ quan thứ 8 của thế giới.
Ngoài việc tốn một lượng kinh phí khổng lồ để biến tuyến đường cho ngựa thồ thành đường 2 làn xe với vô số hầm xuyên núi hiện đại, trong hơn 60 năm xây dựng với nhiều giai đoạn khác nhau, đã có hơn 1.000 công nhân giao thông Pakistan nằm lại trên tuyến. Thế mới thấy, nghề cầu đường ở bất cứ đâu, bất cứ giai đoạn nào cũng đều vất vả, nặng nhọc và nhiều hy sinh.
Những con người thú vị
Trên tuyến cao tốc Karakoram, đoạn gần Gilgit và Karimabad, cảnh vật vô cùng hùng vĩ, khiến du khách choáng ngợp với những đỉnh núi tuyến phủ trắng xóa, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đặc biệt, khi qua đèo Passu, du khách có thể ngắm đỉnh Nang Parbat hùng vĩ và đỉnh K2 - cao thứ hai thế giới thuộc dãy Hymalaya, trong khi phía dưới chân là dòng sông Ấn uốn lượn, xanh ngắt màu ngọc lục bảo.
Trên đoạn đường gần Gilgit, tuyến cao tốc gần như đi song song, thậm chí đi trùng với con đường tơ lụa cũ, còn có một di chỉ đặc biệt lưu lại vết tích của các thương nhân buôn lụa Trung Quốc và của các nhà sư, trong đó có cả Trần Huyền Trang của Đại Đường trên hành trình thỉnh kinh, hành hương về đất Phật thủa nào. Không biết ở trên cõi Niết bàn, vị thánh tăng Đại Đường có thể hình dung ra việc ngàn năm sau có những hậu thế của ngài sẵn sàng vượt cả vạn dặm, đội nắng, đội gió để khám phá, thậm chí đơn giản là để “check in” có vài tấm ảnh độc lạ đăng lên mạng xã hội.
Cần phải nói thêm rằng, do là một trong những điểm va chạm của mảng lục địa Á - Âu và Ấn Độ từ 55 triệu năm trước, nên địa chất tại vùng Karakoram chưa thực sự ổn định. Vào năm 2010, một vụ lở đất kinh hoàng đã xảy ra tại làng Attabad - Gilgit, khiến hàng triệu m3 đá đổ sập xuống, chặn dòng chảy của sông Hunza trong 5 tháng, làm hơn 19 km của đường cao tốc Karakoram bị ngập, tạo nên hồ Attabad có chiều dài 21 km và sâu hơn 100 mét.
Giờ đây, hồ Attabab đã trở thành một điểm du lịch thú vị, nhưng ít người còn nhớ đến việc nó đã từng khiến người dân trong vùng rơi vào tình trạng thiếu lương thực và các mặt hàng thiết yếu cho đến khi cao tốc Karakoram được thông trở lại.
Do nằm gần biên giới, hành trình từ Besham tới Karimabad được chính quyền địa phương giám sát an ninh chặt chẽ. Cứ khoảng 100 km, xe phải dừng lại để cảnh sát kiểm tra hộ chiếu, thậm chí có đoạn xe chở cảnh sát vũ trang đi theo hộ tống, khiến du khách ít nhiều lo âu.
Không chỉ Hunza, mà tại nhiều thành phố ở Pakistan, cảnh tượng nhân viên bảo vệ súng ống lăm lăm trong tay là khá phổ biến, đặc biệt là tại sân bay hay các địa điểm công cộng, nhà hàng, khách sạn.
Mặc dù vậy, Hunza vẫn đang là tour du lịch rất hút khách Việt Nam. Trong tháng 4/2023 - thời điểm mùa hoa mơ, hoa anh đào bung sắc khắp thung lũng Hopar, luôn có 1 - 2 đoàn khách du lịch Việt vượt đường sá trắc trở; sự thiếu tiện nghi tại các cơ sở lưu trú; sự khác biệt về ẩm thực, để chạm tới cửa ngõ thiên đường này dù chi phí cũng ngang ngửa với một tour đi châu Âu.
Thế mới biết, người Việt Nam cũng rất thích khám phá những miền đất lạ và sẵn sàng chịu chi nếu tìm được những tour du lịch độc lạ. Không rõ những du khách Việt đến Hunza vì cảnh đẹp, hay còn có ý định học bí kíp trường thọ của người dân địa phương.
Trên thực tế, Hunza cũng được biết đến là nơi mà người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới. Trong một thời gian dài, tuổi thọ trung bình của người Hunza là 120 tuổi và nhiều người sống đến 140 tuổi. Đây cũng được cho là nơi có nhiều phụ nữ xinh đẹp hơn so với những vùng khác của đất nước Hồi giáo này. Bí kíp trường thọ và xinh đẹp của người Hunza có lẽ nhờ nguồn nước tinh khiết, thực phẩm tự trồng, không khí trong lành và lối sống lành mạnh.
Bên cạnh đó, quả mơ là thực phẩm chính của người Hunza chứa nhiều chất chống ung thư, rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là tinh chất trong hạt mơ được cho là bí kíp khiến người Hunza sống thọ. Dễ dàng bắt gặp tại làng cổ Ghukin những cây mơ cổ thụ có thân hai người ôm không xuể, nhưng vẫn bung hoa trắng xóa để khi sang hè cho ra thứ quả vàng ruộm, mọng nước, thanh ngọt.
Một ngạc nhiên thú vị nữa ở Hunza là việc có ít nhất 2 người phụ nữ gốc Hà Nội đang sinh sống, kết hôn với người bản địa, thậm chí còn đứng ra giúp chồng điều hành các công ty du lịch khá có tiếng tăm, trong đó có Hunza Explorers. Chính họ là những người nhiệt thành thúc đẩy việc mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến Islamabad để người dân hai nước có thể đi lại thuận lợi hơn.
Nghe tin có đoàn khách từ Việt Nam sang, bất chấp đường sá xa xôi và cái rét cắt thịt, chị Lê Thu Huyền vẫn kiên nhẫn chờ đến qua 10 giờ đêm tại Khách sạn Hot Rock - Hunza để giao lưu và tư vấn thêm các điểm tham quan. Sự nhiệt tình của chị đã để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu đậm về tình đồng hương.
Khi chúng tôi hỏi điều gì khiến chị vượt cả ngàn dặm đến một nơi xa xôi này để định cư, chị Huyền cho biết, ngoài tình yêu với người chồng, thì khí hậu vô cùng trong lành, nhịp sống bình yên và sự hồn hậu, hiếu khách của người dân Hunza đã giúp chị ở lại, lập nghiệp tại đây.
Theo chị Huyền, điều kiện sinh sống hàng ngày của cư dân bản địa ở Hunza còn khá thiếu thốn, như điện chỉ có khoảng 4-6 giờ/ngày và không theo giờ cố định, nước thì lạnh quanh năm do đặc điểm núi tuyết sông băng. Tuy nhiên, mạng Internet đã giúp chị giữ được kết nối với gia đình, người thân và bạn bè tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho công việc hiện tại nên không gặp khó khăn gì lớn khi hòa nhập với cuộc sống nơi này.
“Tôi thật sự hài lòng với lựa chọn rời Việt Nam để hai vợ chồng được sống cùng nhau tại Hunza. Mỗi ngày tôi thêm yêu mảnh đất này hơn. Nơi nào hạnh phúc thì hẳn nơi đó là quê nhà", chị Lê Thu Huyền cho biết.