Đô thị Đà Nẵng hướng tới chuẩn quốc tế cần có sự chung tay của nhà đầu tư lớn. Trong ảnh: Phối cảnh minh họa tổng thể Dự án Sun Cosmo Residence Danang |
Hướng đến “thành phố đáng sống” chuẩn quốc tế
Khái niệm “thành phố đáng sống” là mục tiêu được nhiều thành phố trên thế giới hướng đến với các tiêu chí như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tính bền vững, văn hóa, môi trường và hạ tầng. Cùng với nỗ lực trở thành thành phố đáng đến để nghỉ dưỡng, trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư, Đà Nẵng đang bước vào hành trình trở thành “thành phố đáng sống” của khu vực và thế giới sau khi đã định vị được thương hiệu “thành phố đáng sống” của Việt Nam.
Tại Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, định hướng xây dựng trở thành “thành phố đáng sống” của Đà Nẵng thêm lần nữa được nhắc đến với mục tiêu tổng quát, đó là: phát triển Đà Nẵng trở thành một “thành phố đáng sống” theo chuẩn mực quốc tế để thu hút những tầng lớp ưu tú có tri thức, kỹ năng và tiềm lực tài chính đến định cư, đầu tư kinh doanh, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đạt được mục tiêu về phát triển thành phố.
Trong đó, mục tiêu cụ thể được xác định là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước.
Thành phố đáng sống không chỉ đơn giản là môi trường xanh - sạch - đẹp, không khí trong lành, mà nó còn bao hàm cả các yếu tố môi trường sống tốt, chăm sóc sức khỏe tốt, giáo dục học tập tốt, đầu tư kinh doanh tốt… Muốn trở thành “thành phố đáng sống” tiêu chuẩn quốc tế thì các yếu tố nói trên cũng phải được phải phát huy ở mức cao hơn. Ví như hiện nay, Đà Nẵng đang có môi trường giáo dục khá tốt, có nhiều cơ sở giáo dục từ tiểu học cho đến đại học, có những chương trình giáo dục đào tạo quốc tế thông qua các chương trình hợp tác. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần phải phát huy hơn nữa, phải làm sao để học sinh, sinh viên thay vì đi du học nước ngoài thì có thể học tập tại chỗ với chất lượng môi trường giáo dục giống như đi du học.
Về y tế, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe của Đà Nẵng cũng rất tốt, có đầy đủ các cơ sở chăm sóc y tế công và tư nhân hiện đại. Song, Đà Nẵng nên có sự hợp tác với các quốc gia có nền y tế hiện đại trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc… để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khoẻ, điều trị bệnh cho người dân.
Một vấn đề quan trọng nữa là môi trường kinh doanh, đầu tư phải tốt. Đà Nẵng phải có chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để có thêm nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư đến làm ăn, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất chú trọng yếu tố trách nhiệm với cộng đồng, địa phương, dù vậy, Thành phố vẫn phải có những ràng buộc, định hướng ban đầu thì nhà đầu tư mới phát huy được trách nhiệm này, tạo ra các giá trị cho xã hội.
- Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn TP. Đà Nẵng, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng
Bên cạnh đó, Quy hoạch còn đặt mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Tại Hội thảo Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống, do Báo Đầu tư phối hợp với Sun Group tổ chức, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, với định hướng dài hạn, Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển bền vững trong tương lai, đó là: cảng Liên Chiểu; khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; Dự án không gian sáng tạo Đà Nẵng; Trung tâm thương mại quốc tế; Bệnh viện quốc tế; Viện dưỡng lão và Trường giáo dục liên cấp quốc tế.
Đồng thời, chính quyền thành phố cũng thảo luận các giải pháp để Đà Nẵng phát triển bền vững trong thời gian tới, vừa là thành phố du lịch với nhiều trải nghiệm đa dạng đẳng cấp, vừa xứng tầm là thành phố đáng sống, đáng đến với quy mô và tiện ích đẳng cấp quốc tế.
Quá trình kiến tạo hơn 25 năm
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để bắt kịp xu hướng của các đô thị đáng sống trong khu vực và thế giới, xây dựng thành công những khu đô thị văn minh, tạo dấu ấn thu hút lớp cư dân tinh hoa là trí thức, chuyên gia nước ngoài tới sinh sống, an cư lâu dài thì Đà Nẵng cần bắt tay vào hành động ngay sau khi các điều chỉnh quy hoạch chung đã được duyệt.
Trên thực tế, không phải bây giờ, mà từ cách đây hơn 25 năm, khi vừa tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1997), Đà Nẵng đã bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên trên hành trình trở thành “thành phố đáng sống” của mình.
Nhiều người từng sinh sống lâu năm ở Đà Nẵng vẫn còn nhớ như in, hơn 25 năm trước, gần như khu vực phía Đông bờ sông Hàn, nay là 2 quận du lịch khá sầm uất Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, chỉ là những làng chài nghèo, nhà lúp xúp nằm rải rác, khắp nơi đất đai bỏ hoang, cỏ dại um tùm.
Thế rồi, sau nhiều nỗ lực cố gắng, vào năm 2000, Đà Nẵng đã làm xong cây cầu sông Hàn nối đôi bờ. Từ đây, việc cách trở đò giang không còn. Thế nhưng, để có thể đưa cả khu vực rộng lớn bờ phía Đông sông Hàn phát triển nhanh và kịp với khu vực trung tâm, một cây cầu là chưa đủ.
Năm 2013, trong một lần tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy khi đó là ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Khi tôi sang Seoul (Hàn Quốc), cũng thấy họ có 1 con sông Hàn như mình. Ở đó, 1 km bờ sông họ có đến 6 cây cầu, nhưng ở mình 6 km bờ sông mà chỉ mới có được 1 cây cầu. Muốn phát triển, mình phải làm thêm cầu nữa”.
Rồi sau đó, lần lượt những cây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước, cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương ra đời.
Bên cạnh sự ra đời của những cây cầu, thành phố đầu tư tuyến đường chạy dọc ven biển từ Sơn Trà vào đến Ngũ Hành Sơn; kết hợp với sự hình thành khu nghỉ dưỡng du lịch 5 sao đầu tiên (Furama Resort) và sau đó là những khu nghỉ dưỡng khác. Tất cả đã góp phần khai phá tiềm năng du lịch cực lớn bờ phía Đông sông Hàn, từng bước đưa nơi đây thay đổi diện mạo trở thành "đô thị du lịch" tỷ USD với hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Thế nhưng, Đà Nẵng không chỉ làm cầu, để thực sự trở thành “thành phố đáng sống”, hơn 25 năm qua, thành phố đã tập trung tất cả nguồn lực có được để xây dựng thêm nhiều công trình hạ tầng khác, nhằm nâng cấp hoàn thiện, mở rộng không gian đô thị như: mở rộng đường Điện Biên Phủ, xây dựng cầu vượt ngã ba Huế, trục đường Tây Bắc, đường Nguyễn Sinh Sắc, nâng cấp sân bay Đà Nẵng, xây dựng các hầm chui ở những điểm giao có lượt người lưu thông qua lại đông đúc, xây dựng các bờ kè dọc sông Hàn, các công viên mới, các bãi tắm hiện đại, sạch đẹp…
Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng cũng kiến tạo một môi trường sống văn minh, chuẩn mực thông qua các chương trình như “5 không”, “3 có”, “4 an” nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Từng bước xây dựng nên một thành phố đáng sống với các tiêu chí “xanh - sạch - đẹp”.
Bằng cách mở ra chính sách thu hút nhân tài từ khắp mọi miền đến làm việc, cống hiến cho thành phố, cũng như xây dựng một môi trường đầu tư “thân thiện, đồng hành” để thu hút các nhà đầu tư, Đà Nẵng đã hội tụ được nguồn lực to lớn từ chất xám đến dòng vốn để từng bước vươn lên phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh tại khu vực miền Trung và cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt dự án đầu tư, dịch vụ chất lượng quốc tế, giúp Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.
Nói về tầm nhìn xa hơn là đưa Đà Nẵng sớm trở thành một “thành phố đáng sống” của quốc tế, ông Thiên nhấn mạnh: “Động lực của Đà Nẵng phải là động lực cạnh tranh quốc tế, chứ không chỉ so với các tỉnh, thành phố khác trong nước. Chính những “đại bàng” đến đầu tư sẽ định hình chân dung phát triển cho Đà Nẵng. Có những đại bàng ấy, cùng lực lượng doanh nghiệp địa phương thì TP. Đà Nẵng dứt khoát bay lên. Sự đồng hành của chính quyền, người dân Đà Nẵng là cơ sở để chúng ta tin vào điều ấy”.