Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Trao đổi với Báo Đầu tư nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò then chốt của các doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thưa Bộ trưởng, ngày 13/10/2024 là tròn 20 năm giới doanh nhân Việt Nam chính thức có một ngày để được tôn vinh như những ngành nghề khác. Đó cũng là quãng thời gian cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vươn mình mạnh mẽ. Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự phát triển này?
Không chỉ gia tăng nhanh về số lượng, mà như tôi đã nói, đội ngũ doanh nhân Việt còn phát triển mạnh mẽ về chất lượng. Thời gian qua đã ghi nhận sự xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn; từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh đã được hưởng lợi từ mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp dẫn đầu này.
Những đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với kinh tế - xã hội đất nước có thể nhận thấy rõ nét qua các con số như đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu…
Trong 9 tháng đầu năm nay, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi rõ nét trên nhiều lĩnh vực, với tăng trưởng GDP ước đạt 6,82%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 578 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Những kết quả đáng khích lệ của nền kinh tế trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân |
Đúng là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng phải thừa nhận rằng, không nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt vươn được tầm quốc tế và nói về chuyện dẫn dắt nền kinh tế thì cũng chưa đạt được kỳ vọng. Đó có phải là hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt không, thưa Bộ trưởng?
Đó là một thực tế. Mặc dù đã xuất hiện những doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng đội ngũ này chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới, như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hơn nữa, quá trình phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam còn non trẻ so với các nước trong khu vực và thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế…
Nhìn ra thế giới, nhắc đến Nhật Bản, chúng ta sẽ nhớ đến Honda hay Toyota. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc cũng gắn liền với các thương hiệu lớn của quốc gia như Samsung, Hyundai hay SK. Ở Việt Nam, chúng ta thiếu vắng những tên tuổi được gắn với thương hiệu quốc gia như vậy. Đã đến lúc, chúng ta cần nâng tầm doanh nghiệp Việt.
Đó có phải là lý do khiến Bộ trưởng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam mới đây rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp lớn phải tiên phong giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia và đã đến lúc phải đặt lên vai họ những sứ mệnh lớn lao hơn?
Đất nước đang ở thời điểm rất quan trọng, khi mà thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại toàn cầu… Bối cảnh mới đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước.
Theo đó, chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Trong khi đó, ở trong nước, chúng ta đang nỗ lực để có thể hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc vào các dấu mốc lịch sử 2030 và 2045, như mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Chúng ta cũng đang chuẩn bị tâm thế để có thể sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói.
Bối cảnh đó đang đặt lên vai cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam những sứ mệnh lớn lao. Đất nước có phồn vinh, hạnh phúc, có thể tận dụng được cơ hội “ngàn năm có một” để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên hay không phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp dân tộc.
Chính vì lẽ đó, tại “Hội nghị Diên Hồng” với khu vực tư nhân mới đây, tôi đã đề nghị, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.
Tôi tin rằng, với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.
Đó là bên cạnh hoạt động kinh doanh nhằm đem lại doanh thu, lợi nhuận, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững, như xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp…, tham gia các dự án lớn của đất nước. Đồng thời, phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước…
Và không chỉ là các doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp, doanh nhân nói chung cần tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo. Cần tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; nêu cao tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc.
Nhưng thưa Bộ trưởng, cái gì cũng đều phải từ hai phía. Muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh và tham gia giải được những bài toán lớn của đất nước, thì chúng ta cần có thể chế, chính sách đủ mạnh…
Có rất nhiều việc chúng ta phải làm. Cần khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Cần nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Đồng thời, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó, tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm được phát triển bởi con người Việt Nam, được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp triển khai, xây dựng thể chế, chính sách. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, việc cần làm là tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể”.
Chúng ta cũng cần đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh…
Tôi tin rằng, với những nỗ lực đó của cả hai phía, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ và hùng cường. Hành trình vươn tới thành công của các doanh nhân chính là hành trình đi lên của đất nước.