Trung đoàn 6 công binh anh hùng Bộ đội Trường Sơn trong nhiệm vụ mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975. |
Lớp lớp con gái, con trai lên đường ra trận
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bao thế hệ thanh niên đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhớ về những tháng năm kháng chiến là nhớ về một thời lửa đạn gian lao mà anh dũng tuyệt vời của cả dân tộc. Lớp lớp con gái, con trai lên đường ra trận với niềm tin và khát khao cháy bỏng về một ngày bình yên trở lại trên quê hương, trên ruộng đồng, nhà máy... Niềm tin và khát vọng đó là động lực để thế hệ trẻ Việt Nam cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn một nửa đất nước thân yêu.
Thời kỳ chống Mỹ và suốt những tháng năm chiến tranh, thế hệ thanh niên đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cũng với niềm tin cháy bỏng đó.
Lớp thanh niên miền Bắc ngày ấy được học tập, rèn luyện, trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa; được giáo dục tình cảm yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc; có sức khỏe, có tri thức, có tinh thần hăng say lao động và sáng tạo; luôn sẵn sàng cống hiến sức trẻ, sẵn sàng hy sinh, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Môi trường giáo dục và môi trường xã hội tốt đẹp của miền Bắc với chế độ xã hội ưu việt đang được chính những người lao động dựng xây đã sinh ra lớp người giàu lòng yêu nước, có ý chí và niềm tin lớn lao vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, cũng là lúc quân và dân hậu phương phải tập trung mọi nguồn lực để vừa trực tiếp đương đầu với không quân, hải quân Mỹ, vừa làm tròn nhiệm vụ chi viện chiến trường. Kể từ đây, “chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11, 1963 - 1965).
Bằng tinh thần và tình cảm “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trên miền Bắc, xuất hiện nhiều phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Dấy lên mạnh mẽ, liên tục, rộng lớn trong thế hệ trẻ miền Bắc, phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” với những nội dung thiết thực “sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”, đã trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng tiêu biểu của các thế hệ thanh niên.
Với khí thế bừng bừng của hậu phương lớn, miền Bắc những ngày chia lửa cùng tiền tuyến lớn miền Nam, tuổi trẻ hậu phương luôn xung kích trên mọi mặt trận, trên mọi lĩnh vực công tác, học tập và chiến đấu. Thanh niên miền Bắc nô nức tòng quân, tham gia thanh niên xung phong và coi việc làm đó là tâm nguyện của tuổi trẻ đối với Tổ quốc.
Những lá đơn viết chung xung phong nhập ngũ
Các tấm gương điển hình trong thanh niên xuất hiện ở nhiều địa phương: 5 anh em họ Trương trong gia đình công nhân ở Hòn Gai (Quảng Ninh) đứng chung một lá đơn xin nhập ngũ; 4 anh em họ Nguyễn ở Hà Nội đều là sinh viên, cùng đề đạt nguyện vọng xin ra chiến trường trực tiếp chiến đấu. Đặc biệt, 28 anh chị em ruột, anh chị em con chú, con bác trong gia đình bà Nguyễn Thị Minh ở quận Ba Đình (Hà Nội) cùng đứng tên chung một lá đơn đề đạt nguyện vọng thiết tha được nhập ngũ và tái ngũ...
Thật khó để kể hết những tập thể, cá nhân thanh niên tiêu biểu trong các phong trào hành động cách mạng ở miền Bắc những năm chiến tranh. Chỉ có thể nói rằng, phụ nữ miền Bắc với phong trào “Ba đảm đang” chính là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với chồng, con em mình, là chỗ dựa tinh thần và tình cảm quan trọng để thanh niên yên tâm tham gia quân đội, thanh niên xung phong...
Ngày đó, trên miền Bắc, các buổi mít-tinh, tổng duyệt lực lượng “Ba sẵn sàng”, “trao gậy Trường Sơn” được tổ chức long trọng, tại nhiều địa điểm lịch sử gắn với những chiến công chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cách thức tổ chức đó có tác dụng giáo dục sâu sắc, là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với thanh niên. Nhiều thanh niên đã viết đơn tình nguyện bằng máu, khai tăng tuổi, mặc thêm quần áo cho đủ cân; nhiều cán bộ chuyên môn kỹ thuật giỏi, thày thuốc, thày giáo, sinh viên các trường đại học gác lại việc học tập, từ giảng đường đi thẳng vào chiến trường.
Đó là một thế hệ lên đường với ngọn lửa cháy bỏng trong tim, “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Đó là những tấm gương tiêu biểu như nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý, sinh viên Nguyễn Văn Thạc, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và hàng trăm ngàn tấm gương khác nữa.
Những bước chân thanh xuân vượt lửa đạn Trường Sơn
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ hậu phương lớn miền Bắc, lớp lớp thanh niên trong đội hình của những đoàn quân nối tiếp nhau vượt Trường Sơn đi tới chiến trường. Dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi con đường vận chuyển chiến lược nối liền Bắc - Nam đi qua cũng chính là nơi thử lửa đầu tiên đối với mỗi con người mang trên mình sứ mệnh lịch sử “chống Mỹ, cứu nước”. Những đoàn quân đi vào chiến trường ngày ấy phải xuyên qua rừng già, vượt bao thác ghềnh, núi cao, suối sâu, vực thẳm, qua những cung đường, trọng điểm đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của địch như phà Ghép, phà Ròn, Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, Linh Cảm, Long Đại, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích...
Thiên nhiên khắc nghiệt và bom đạn địch đã không thể ngăn được bước chân của những đoàn quân ra trận. Trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh, từ hậu phương miền Bắc, hơn một trăm ba mươi vạn cán bộ, chiến sĩ cùng với hàng chục triệu tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật đã vượt Trường Sơn vào tới các chiến trường. Để làm nên thắng lợi của công tác chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn đã vượt qua mưa bom, bão đạn, không nề gian khổ, hy sinh, nêu cao quyết tâm giữ vững mạch máu giao thông thông suốt.
Trên trận tuyến nóng bỏng này, ở mỗi cung đường, mỗi trọng điểm, các đơn vị quân đội và ngành giao thông luôn có sự sát cánh của lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước (thành lập theo Chỉ thị số 71/TTg, ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là lực lượng lao động quân sự đặc biệt, có nhiệm vụ xây dựng các công trình cấp thiết quốc phòng và kinh tế; xây dựng và sửa chữa các cầu, phà, đường bị địch phá hoại, bằng cách khôi phục giao thông nhanh nhất ở những trọng điểm, những đoạn đường khó khăn.
Bằng tinh thần “Ba sẵn sàng”, với sức trẻ, trí thông minh, sáng tạo, lực lượng thanh niên xung phong ngày đêm trụ bám các trọng điểm đánh phá, các vị trí trọng yếu, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, kịp thời sửa chữa cầu đường, phá bom nổ chậm, làm thêm các cung đường mới, làm hầm hào, công sự, cứu người, cứu tài sản..
Dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc
Từ đội thanh niên xung phong đầu tiên của Thanh Hóa, gồm 1.200 đội viên nam, làm nhiệm vụ thồ hàng trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn thuộc khu vực miền tây Quảng Bình, đến cuối năm 1965, lực lượng thanh niên xung phong phát triển lên tới hơn 5 vạn đoàn viên, biên chế thành 41 đội, trong đó 24 đội làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông.
Cho đến ngày nước nhà thống nhất, lực lượng thanh niên xung phong tham gia công việc phục vụ kháng chiến lên tới 15 vạn đội viên, trong đó 10 vạn đội viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Thanh niên xung phong đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc và thực sự là đội quân chủ lực trên mặt trận đảm bảo giao thông, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến trường của hậu phương lớn miền Bắc.
Đó là những thành tích gắn liền với các địa danh Hàm Rồng, Phà Ghép, Hoàng Mai, Truông Bồn, Linh Cảm, Can Lộc... nằm trên các con đường 1, đường 15, đường 12, đường 20 - Quyết thắng, đường 128... thuộc địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Mỗi địa danh, mỗi con đường đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu, gắn liền với những chiến công của các tập thể, cá nhân tiêu biểu của lực lượng thanh niên xung phong.
Khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn cuối, hơn 2 vạn thanh niên của 8 tỉnh (Vĩnh Phú, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình, Nam Hà, Hà Bắc, Hà Nội, Thanh Hóa) đã được huy động cho lực lượng thanh niên xung phong trong tháng cuối của năm 1972. Số đội viên này lập tức được bổ sung cho lực lượng đảm bảo giao thông. Lực lượng thanh niên xung phong hùng hậu đã cùng với các lực lượng khác lập nên nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông: chỉ trong 24 giờ sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vào đầu năm 1973, tuyến đường bộ và toàn bộ cầu phà trên tuyến đường 1A đã được khai thông từ Hà Nội đến Vĩnh Linh; 3 ngày sau, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, ô tô ray đã kéo 10 tấn hàng đến ga Vinh an toàn.
Bước vào giai đoạn cả nước dồn sức cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, lực lượng thanh niên xung phong đã phối hợp với bộ đội công binh, công nhân ngành giao thông - vận tải khôi phục gần 370 km đường, sửa 59 lượt cầu phao (5.100 m), 61 lượt cầu liên hợp (1.896 m), 4 lượt cầu cáp (400 m).
Ở mọi miền quê, trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, ở đâu địch đánh phá khốc liệt, ở đâu công việc khó khăn, nặng nhọc, ở đó có lực lượng thanh niên xung phong. Những khẩu hiệu hành động “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, “Đường chưa thông, thanh niên xung phong chưa thể nghỉ”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Địch phá, ta cứ đi” luôn thôi thúc, giục giã bước chân của nhiều thế hệ thanh niên miền Bắc. Chính trong khói lửa đạn bom, lớp thanh niên ấy đã được trui rèn và trưởng thành vượt bậc.
Lớp thanh niên Việt Nam những năm chống Mỹ, cứu nước đã sát cánh cùng với quân và dân cả nước, phát huy ý chí - quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Năm tháng đi qua, ngọn lửa chiến tranh giờ đây đã tắt trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và trên dải đất Việt Nam thân yêu của chúng ta. Dù thời gian có làm mờ dần dấu tích chiến tranh, song ngọn lửa của ý chí - quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” những tháng năm chống đế quốc Mỹ xâm lược vẫn mãi là nguồn sáng soi rọi bước chân các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.n
(*) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam