Du lịch
Hậu Giang: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Trúc Giang - 01/05/2024 11:20
Hậu Giang chú trọng đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch đa dạng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp) được định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành khu du lịch quốc gia     Ảnh: Lý Anh Lam (nguồn: trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hậu Giang)

Tài nguyên du lịch đa dạng

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Trên địa bàn tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nổi bật là sông Hậu, kênh xáng Xà No, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp... cùng với cảnh quan sinh thái hữu tình dọc theo sông, rạch rất thích hợp phát triển du lịch sinh thái sông nước.

Hậu Giang còn là vùng đất của những vườn cây trái đặc sản như bưởi năm roi, cam sành, quýt, khóm (dứa), dâu..., những cánh đồng rộng lớn tạo nên không gian xanh, yên bình, thuận lợi hình thành sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn.

Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.800 ha, thuộc hệ sinh thái đất ngập nước, được xem là “lá phổi xanh” của tỉnh, có vai trò điều hòa khí hậu. Giá trị độc đáo của Lung Ngọc Hoàng là cảnh quan sinh thái khá nguyên vẹn của các đầm lầy, các lung bàu, cảnh quan của khu rừng tràm xanh mướt. Ngoài ra, Lung Ngọc Hoàng có giá trị đa dạng sinh học cao, là nơi bảo tồn các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm. Đây là tiềm năng khác biệt, riêng có để tỉnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên...

Nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn cùng nhiều sản vật cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách đến với Hậu Giang. Đó là những món ăn được chế biến từ cá Thát Lát, khóm Cầu Đúc, đọt choại (một loại rau dân dã), đặc biệt là cháo lòng Cái Tắc thơm ngon nức tiếng gần xa (năm 2012, cháo lòng Cái Tắc Hậu Giang lọt vào top 5 đặc sản cháo nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố), góp phần đa dạng hóa cho sản phẩm du lịch địa phương.

Ngoài ra, Hậu Giang còn lưu giữ, bảo tồn các di sản văn hóa có giá trị và hệ thống di tích lịch sử - cách mạng, như Di tích chiến thắng Chương Thiện, chiến thắng Tầm Vu; Đền thờ Bác Hồ; Khu căn cứ Tỉnh ủy; Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng.

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung đầu tư, nâng cấp phát triển các khu, điểm du lịch; quan tâm đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, qua đó góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất và con người Hậu Giang, thu hút nhiều khách tham quan, góp phần phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, trong năm 2023, lượng khách du lịch đến Hậu Giang tăng mạnh. Tỉnh đã đón 519.860 lượt khách, tăng 133,29% so với năm 2022, đạt 103,97% kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 25.320 lượt, tăng hơn 230% so với năm 2022; khách nội địa đạt 494.540 lượt, tăng 130,48 % so với năm 2022. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 236 tỷ đồng, tăng 132,5% so với năm 2022, đạt 109,76% kế hoạch năm 2023.

Riêng trong quý I/2024, toàn tỉnh đón 150.150 lượt khách tham quan du lịch, trong đó có 8.570 lượt khách quốc tế, 141.580 lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 69 tỷ đồng.

Trụ cột kinh tế

Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 26/11/2021 của Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo xác định phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Đồng thời, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/12/2023) xác định 4 trụ cột kinh tế của tỉnh là: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. Đây là một trong 5 đột phá chiến lược của tỉnh Hậu Giang.

Đối với du lịch, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang định hướng phát triển có trọng tâm, chọn những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đầu tư, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, Hậu Giang sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn, gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử; phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phấn đấu đến năm 2025, Hậu Giang sẽ có 1 khu du lịch cấp tỉnh; 6 điểm du lịch; tập trung đầu tư khai thác 2 điểm nhấn du lịch đặc trưng của Hậu Giang là du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và vùng lân cận. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trở thành khu du lịch quốc gia.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động du lịch. Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp điều kiện của tỉnh; khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch: khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi, giải trí...

Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch, Hậu Giang đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, chủ đạo và bổ trợ.

Cụ thể, về sản phẩm du lịch đặc thù: Phát triển du lịch văn hóa sông nước gắn với các hoạt động tham quan chợ nổi, trải nghiệm văn hóa sông nước, tổ chức hoạt động phố đi bộ, lễ hội đường phố, nghệ thuật đương đại; phát triển du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm, tham quan, nghiên cứu khoa học.

Về sản phẩm du lịch chủ đạo: Phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, bảo tồn cảnh quan đặc trưng sông nước dọc sông Hậu; phát triển tuyến du lịch đường thủy kênh xáng Xà No phục vụ nhu cầu trải nghiệm sông nước, khám phá cảnh quan thiên nhiên ven kênh; phát triển du lịch khám phá thiên nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa của cư dân sông nước Hậu Giang, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Về sản phẩm du lịch bổ trợ: Phát triển du lịch mua sắm tại các làng nghề, chợ đêm, phố đi bộ, các trung tâm dịch vụ, khu du lịch trọng điểm; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo); du lịch ẩm thực...

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, dựa vào lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của từng địa phương, không gian phát triển du lịch Hậu Giang được chia thành 4 vùng.

Vùng liên huyện Châu Thành - Châu Thành A là tiểu vùng kinh tế phía Đông Bắc; có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, cây ăn trái, đô thị du lịch sinh thái - du lịch nghỉ dưỡng tầm quốc gia ven sông Hậu; du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch giải trí…

Vùng liên huyện TP. Vị Thanh - huyện Vị Thủy là đầu mối điều hành hoạt động du lịch của Hậu Giang. Phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa; du lịch MICE kết hợp mua sắm, giải trí về đêm; du lịch cộng đồng, nông nghiệp...

Vùng liên huyện thị xã Long Mỹ - huyện Long Mỹ là vùng có thế mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch nông nghiệp công nghệ cao…

Vùng liên huyện TP. Ngã Bảy - huyện Phụng Hiệp là vùng du lịch trọng điểm của Hậu Giang: Phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sông nước miệt vườn; du lịch văn hóa; du lịch giải trí; du lịch cộng đồng, nông nghiệp…

Tin liên quan
Tin khác