Đầu tư
Hé lộ cơ hội hợp tác và “khẩu vị” mới của nhà đầu tư Hoa Kỳ
Nguyên Đức - 24/03/2023 09:19
Không chỉ đông nhất từ trước tới nay, sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới trong danh sách hơn 50 tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tới Việt Nam trong dịp này đã hé lộ những cơ hội hợp tác mới, với “khẩu vị” có lẽ cũng sẽ khác.
Ngoài lĩnh vực cơ khí, chế tạo, các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm tới các lĩnh vực mới như y tế, kinh tế số, bán dẫn…

“Khẩu vị” đầu tư mới

Hơn 50 “đại bàng” của Hoa Kỳ vừa tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Một hoạt động được Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức thường niên, nhưng năm nay có khá nhiều điều đặc biệt.

Đây không chỉ là đoàn doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, mà còn là sự xuất hiện của nhiều tên tuổi tầm cỡ trong các lĩnh vực mới, như y tế, hàng không vũ trụ, kinh tế số, thương mại điện tử, bán dẫn… Bởi thế, bên cạnh Coca-Cola, PepsiCo, P&G, hay Boeing, FedEx, Ford…, còn có Netflix, Meta, SpaceX, Amazon…, rồi MSD, Novartis, Pfizer, Viatris, Bay Global Strategies, Abbot…

Những cái mới này có lẽ đã phần nào hé lộ “khẩu vị” mới của các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Những chia sẻ của các “đại bàng” trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã cho thấy điều đó.

Trong khi Abbot, Viatris, MSD quan tâm các vấn đề về quyền phân phối của doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, cơ chế đấu thầu trang thiết bị y tế…, thậm chí còn chia sẻ, trong tương lai có thể biến Việt Nam thành điểm đến du lịch y tế, thì SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk, bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và khu vực. Trong khi đó, Meta rất quan tâm đến chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam. 

Khi chia sẻ với báo giới, ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc USABC cho biết, phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tới Việt Nam lần này đặt mục tiêu khám phá tiềm năng hỗ trợ chiến lược chuyển đổi số và chương trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, nhằm đáp ứng các cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đó là lý do, những lĩnh vực đầu tư mới được quan tâm.

Ít ngày trước đây, tại Hội nghị Thượng định Việt Nam - Hoa Kỳ, bà Marisa Lago, Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Hoa Kỳ, đã đề cập 3 lĩnh vực được doanh nghiệp Hoa Kỳ ưu tiên hợp tác với Việt Nam thời gian tới, là y tế, thương mại số, năng lượng, biến đổi khí hậu. “Khẩu vị” đầu tư mới của các doanh nghiệp Hoa Kỳ có lẽ sẽ nằm ở đó.

Tiềm năng của Hoa Kỳ còn rất lớn, bởi dù là nước xuất khẩu đầu tư hàng đầu thế giới, song chưa có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước này rót vốn vào Việt Nam

Chờ đón “đại bàng” chốt “deal”

Không quá khó hiểu vì sao nhiều lĩnh vực mới được các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm. Đó không chỉ là thế mạnh của doanh nghiệp Hoa Kỳ, mà còn là xu hướng phát triển chung của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong cuộc làm việc với phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Việt Nam cũng đã xác định, bên cạnh các đột phá là thể chế, cơ sở hạ tầng, nhân lực, thì khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo và văn hóa, con người chính là “chìa khóa” để có thể “đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên” trong sân chơi toàn cầu.

Vì lẽ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn, các nhà đầu tư Hoa Kỳ, với thế mạnh của mình, sẽ đầu tư và hỗ trợ Việt Nam “nâng cấp” nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng bởi thế, bên cạnh việc đánh giá cao các khoản đầu tư mở rộng của các “nhà đầu tư truyền thống”, ví dụ việc Coca-Cola mới khởi công dự án 136 triệu USD ở Long An, thì Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các “đại bàng” từ Hoa Kỳ sẽ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư, như năng lượng xanh, bao gồm cả năng lượng của tương lai là hydro xanh, kinh tế số, y tế, chip bán dẫn…

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là Boeing đầu tư để biến Việt Nam trở thành một trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng của ngành hàng không thế giới. Hay với quỹ đầu tư KRR, đang quản lý danh mục hơn 500 tỷ USD và đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam, có thể quan tâm hơn đến việc đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, bởi hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đầu tư hoặc hỗ trợ phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế, dự kiến thành lập tại TP.HCM, là điều được Bộ trưởng rất quan tâm.

 Đặc biệt, điều mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong chờ, đó là “Hoa Kỳ phải là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam”.

Trên thực tế, tính đến nay, với tổng vốn đăng ký khoảng 13 tỷ USD, Hoa Kỳ đang xếp thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Dù còn một khoản vốn không nhỏ nữa được Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba, nhưng vẫn thua xa con số trên 81 tỷ USD của Hàn Quốc, 72 tỷ USD của Singapore, và trên 69 tỷ USD của Nhật Bản. 

“Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và luôn mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam”, ông Ted Osius đã nói như vậy.

Sự xuất hiện của đoàn hơn 50 doanh nghiệp Hoa Kỳ lần này chính là lời khẳng định cho mối quan tâm đó, nhất là khi Việt Nam đang là tâm điểm của sự dịch chuyển vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng quan trọng là, làm sao để “đại bàng” sớm chốt “deal”?

Rất nhiều lý do được đưa ra. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 (VBF) mới đây, Chủ tịch AmCham Việt Nam đã đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách mà Việt Nam cần tiếp tục cải cách để thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, cần có cơ chế thuế phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, hay lộ trình xóa bỏ hạn mức lãi suất 0% với tiền gửi bằng USD, tinh giản quy trình nhập cảnh…

Theo Chủ tịch AmCham Việt Nam, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng lo gánh nặng hành chính ngày càng tăng; lo quy trình, thủ tục pháp lý còn chưa nhất quán, đặc biệt liên quan đến định nghĩa thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thế nào là công ty trong nước...

Những điều này đang cản trở dòng vốn từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Nếu được gỡ bỏ, vốn từ Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ thông suốt hơn.

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với Đoàn doanh nghiệp cấp cao thuộc USABC, ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc USABC, đã rất hào hứng khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ về kế hoạch phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ khu vực, với 8 lĩnh vực công nghệ trọng tâm là sản xuất thông minh, nội dung số, bán dẫn, y tế...

Ông ngay lập tức xin “đầu mối kết nối”, để các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể nghiên cứu, tham gia ngay được vào các lĩnh vực này. Và ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồ hởi giới thiệu.
Tin liên quan
Tin khác