Đầu tư và cuộc sống
Hệ quả khi tỷ lệ lao động phi chính thức gia tăng
Mạnh Bôn - 04/12/2022 10:45
Sự gia tăng tỷ lệ lao động phi chính thức trong thời gian gần đây đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết, bởi thực trạng trên không chỉ tác động trực tiếp tới năng suất lao động, mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Tỷ lệ lao động phi chính thức gia tăng không chỉ tác động trực tiếp tới năng suất lao động, mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng cho thấy, tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu duy nhất không đạt được trong tổng số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cho dù con số đưa ra không cao: tăng 5,5% so với năm 2021 - năm mà nhiều tháng trời, người lao động phải “nằm nhà lướt mạng” do giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19.

Năm 2022 cũng không phải là năm đầu tiên, năng suất lao động không “cán đích”, mà chỉ tiêu này đã nhiều năm không đạt, khiến khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines ngày càng lớn.

Năng suất lao động của Việt Nam nằm ở vùng đáy của ASEAN, chỉ hơn Campuchia và Myanmar, cho dù kỹ năng, tay nghề, trình độ của kỹ sư, giáo viên, bác sỹ, cử nhân, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật... Việt Nam không hề thua kém nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp là có tới 68,5% tổng số lao động (với 33,6 triệu người) đang làm việc phi chính thức. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn Campuchia và Myanmar ở ASEAN.

Khác với các nước trên thế giới, lao động phi chính thức của Việt Nam không chỉ làm việc ở khu vực phi chính thức (gồm cơ sở không có đăng ký kinh doanh, xe ôm, taxi công nghệ, hàng rong, buôn thúng bán mẹt, làm bất cứ nghề tự do nào miễn là có tiền...), mà còn có khoảng 6 triệu người làm việc ở khu vực chính thức, nhưng không được ký hợp đồng lao động hoặc chỉ được chủ sử dụng lao động ký “hợp đồng miệng” nên không được đóng bất cứ loại hình bảo hiểm bắt buộc nào.

Đặc điểm của lao động phi chính thức của Việt Nam cũng khác nhiều nước thế giới ở điểm, hàng năm có trên dưới 80% số lao động, trong đó phần nhiều là lao động nữ cứ đến độ tuổi ngoài 40 được “biên chế” vào đội ngũ phi chính thức do bị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo… cho nghỉ việc với lý do cơ cấu lại sản xuất hoặc họ tự nguyện xin nghỉ việc bởi không thể chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Ra khỏi nhà máy, người lao động từng làm việc ở khu vực chính thức buộc phải “xung” vào đội quân bán hàng rong, lấy vỉa hè làm nơi mưu sinh, hay chấp nhận làm bất cứ công việc gì cho dù “ráo mồ hôi là hết tiền”, tương lai bất định và không có bất cứ chế độ an sinh xã hội nào dành cho họ.

Báo cáo Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức đang được Tổng cục Thống kê hoàn thiện trình Chính phủ đã chỉ rõ một thực trạng đáng báo động. Đó là từ 40 tuổi trở đi, tỷ lệ lao động phi chính thức tăng lên và khi đến độ tuổi 57- 62 (tức vẫn trong độ tuổi lao động), thì tỷ lệ này đã tăng lên gần 90%. Có nghĩa, cứ 100 người ở độ tuổi 57- 62 tham gia lao động để tạo ra của cải cho xã hội, thì chỉ có 10 người làm việc chính thức, còn 90 người làm việc phi chính thức. Rất dễ nhận thấy nguyên nhân chính là do một lực lượng lao động “hết đát” ở độ tuổi ngoài 40 đã bị doanh nghiệp đẩy ra đường.

Trong số lao động phi chính thức, ngoại trừ không nhiều người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có khả năng đặc biệt, nên có thu nhập cao (như tư vấn, giám sát, thiết kế, kế toán, bác sỹ cổ truyền, giới văn nghệ sỹ...), còn lại đều giống nhau ở đặc điểm là không được đào tạo, không có chuyên môn kỹ thuật, nên phải làm công việc giản đơn, nặng nhọc, bấp bênh, thu nhập chỉ vào khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, trong đó 47% có thu nhập còn thấp hơn lương tối thiểu vùng. Đây là gánh nặng cho bản thân lao động, cho gia đình cũng như xã hội trong tương lai khi họ không còn đủ sức “tay làm, hàm nhai”.

Trong bất cứ nền kinh tế nào cũng tồn tại lao động phi chính thức. Nhưng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã chỉ ra rằng, trên thế giới, quốc gia nào có tỷ lệ lao động phi chính thức càng cao thì năng suất lao động càng thấp, tăng trưởng kinh tế khó bền vững và không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nhận định, địa phương nào ở Việt Nam có tỷ lệ lao động phi chính thức càng cao thì càng chìm xuống đáy của sự phát triển, tỷ lệ hộ gia đình nghèo đói càng lớn. Ngoài ra, chỉ tiêu tỷ lệ lao động Việt Nam đã qua đào tạo trong giai đoạn 2016-2020 không đạt mục tiêu cũng chính là nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam dường như không cải thiện so với giai đoạn 2011-2015 và khiến lực lượng lao động phi chính thức ngày càng phình to.

Luật Bảo hiểm xã hội quy định, nếu sử dụng lao động từ một tháng trở lên thì chủ doanh nghiệp bắt buộc phải ký hợp đồng với người lao động và phải đóng bảo hiểm bắt buộc cho họ, ngoài ra đối tượng này trở thành lao động chính thức. Trên thực tế, hiện có tới 21% lao động trong khu vực chính thức không được ký hợp đồng lao động, không được chủ sử dụng đóng bảo hiểm bắt buộc. Do vậy, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra khu vực này cũng đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ lao động phi chính thức. Cùng với đó, cần tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là yếu tố góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tin liên quan
Tin khác