Rạn san hô ở vịnh Nha Trang bị chết hàng loạt. |
Vịnh Nha Trang bị “đầu độc” như thế nào?
Là một trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới và chứa đựng hầu hết các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới (nhất là rạn san hô), vịnh Nha Trang có vị thế nhất định trong lòng người dân địa phương và du khách.
Vấn đề nhức nhối là dù được quản lý bởi Luật Di sản văn hóa, nhưng “miếng bánh” vịnh Nha Trang không được bảo tồn theo đúng nghĩa, mà liên tục bị “rỉa” và “đầu độc” bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trước tiên là rác thải. Hoạt động du lịch biển phát triển rầm rộ, một mặt giúp địa phương này cải thiện nguồn thu ngân sách, nhưng lại “mang đến” vịnh Nha Trang rất nhiều… chủng loại rác thải. Rác dưới đáy vịnh Nha Trang, đối với hướng dẫn viên lặn biển, thợ lặn Nguyễn Hà Minh Trị (người thường xuyên dọn rác dưới đáy biển), là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Ông Trị cho biết, việc nhặt rác dưới đáy vịnh Nha Trang như “nhặt bụi ở sa mạc”, không thể nào làm sạch hết đáy biển. “Biển không cần con người giải cứu, nếu con người không xâm hại đến biển”, ông Trị chia sẻ.
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, để rút ngắn thời gian phục hồi hệ sinh thái rạn san hô (ước tính phải 10 năm), trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các công tác bảo tồn biển, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm phát huy các nguồn lực, nâng cao nhận thức, khả năng của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị vịnh Nha Trang.
Không chỉ rác thải, vịnh Nha Trang còn “gánh” nhiều dự án lấn biển. Đơn cử, Dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp với du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa, vịnh Nha Trang (đã bị thu hồi) và Dự án Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao đã đổ hàng chục ngàn khối đất, đá lấn biển… Dù khắc phục thế nào đi nữa, thì các dự án này đã “góp phần” làm xấu xí hình ảnh “cô gái đẹp” vịnh Nha Trang.
Hết rác thải, công trình lấn biển…, đến chuyện rạn san hô bị “bức tử”. Đây không phải là câu chuyện mới, vì năm 2018, UBND TP. Nha Trang từng chỉ ra, các rạn san hô ngầm lớn và trải đều từ Hòn Chồng đến Hòn Một đã bị chết.
Trước phản ánh về hệ sinh thái rạn san hô bị suy giảm nghiêm trọng ở Khu bảo tồn biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang), ngày 8/6/2022, Ban Quản lý vịnh Nha Trang lập báo cáo cho rằng, sự suy thoái của rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố tác động, như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài dịch hại. Tuy nhiên, các yếu tố trên lại mang tính khách quan, toàn cầu, rất khó kiểm soát, điều chỉnh.
Theo các nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang, có nhiều nguyên nhân gây suy giảm độ phủ và diện tích rạn san hô vịnh Nha Trang.
Thứ nhất, do thiên tai. Cụ thể, tại một số khu vực có rạn san hô phong phú và đa dạng như Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Đông Bắc Hòn Tre, hệ sinh thái san hô bị thiệt hại nặng nề, đến 70-80% sau cơn bão số 12 Damrey vào tháng 11/2017 (Hòn Tằm có độ phủ san hô cứng suy giảm đột ngột vào tháng 7/2017, từ 56,8% xuống còn 12,5% vào tháng 12/2017, độ phủ giảm gần 80%; khu vực Bãi Sạn độ phủ giảm trên 70%). Năm 2019, san hô bị tẩy trắng một số khu vực trên vịnh do nhiệt độ nước biển tăng.
Qua 3 năm đã có dấu hiệu hồi trở lại, nhưng đến cuối năm 2021, khu vực trên tiếp tục bị ảnh hưởng bởi của cơn bão số 9, làm gãy đổ và bị sóng đánh lên bờ tới 70% diện tích phân bố rạn san hô (Báo cáo số 15/VNT của Ban Quản lý vịnh Nha Trang, ngày 13/1/2022 gửi UBND TP. Nha Trang và các sở có liên quan).
Tốc độ phát triển của san hô tùy thuộc vào từng loài và điều kiện nhiệt độ, độ trong và thức ăn của san hô. Đối với san hô dạng cành, gạc nai, mỗi năm tăng từ 0,5 đến 2,5 cm; đối với san hô dạng khối phát triển rất chậm, chỉ từ 0,5 đến 2,5 cm/năm; loại nhanh nhất hiện nay cũng chỉ tăng 5-10 cm/năm. Hiện nay, hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Mun vẫn đang trong quá trình phục hồi sau bão.
Thứ hai, do hiện tượng tẩy trắng san hô. Hiện tượng này được Ban Quản lý vịnh Nha Trang giải thích: “Trong vài thập niên gần đây, khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng, nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô, gây những tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới. Đối với vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy, tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%”.
Lạ thay, trách nhiệm của Ban Quản lý vịnh Nha Trang ra sao, thì không được nhắc đến và thừa nhận! Thay vào đó, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho rằng, thời gian qua, họ đã “nỗ lực” không ngừng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị vịnh Nha Trang, đặc biệt là giá trị hệ sinh thái rạn san hô. “Tuy nhiên, nhiều yếu tố bất lợi, không thể kiểm soát, như mưa bão, sự nóng lên toàn cầu đã làm hệ sinh thái rạn san hô bị suy giảm đáng kể”, Ban Quản lý vịnh Nha Trang báo cáo.
Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vịnh Nha Trang. |
Nguyên nhân chủ quan do “hạn chế, thiếu sót”
Ngày 20/6/2022, ông Nguyễn Hải Ninh (Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa), cùng ông Nguyễn Khắc Toàn (Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) và ông Nguyễn Tấn Tuân (Chủ tịch UBND tỉnh) đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy nghe UBND tỉnh báo cáo việc suy giảm rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun (ở vịnh Nha Trang, TP. Nha Trang).
Tại cuộc họp này, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa kết luận, thời gian qua, các cơ quan báo chí phản ánh cơ bản đúng thực trạng suy giảm rạn san hô tại khu vực Hòn Mun (vịnh Nha Trang). Theo đó, việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời, như khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch...
Từ đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang.
Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý vịnh Nha Trang trong hoạt động giám sát, quản lý vịnh Nha Trang; tăng cường hiệu quả hoạt động của đội kiểm tra liên ngành trong công tác tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực bảo tồn Hòn Mun.
Tỉnh ủy Khánh Hòa giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện ngay việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát để có báo cáo cụ thể, chính xác, đầy đủ về hiện trạng, nguyên nhân của sự suy giảm hệ sinh thái rạn san hô khu vực biển Hòn Mun và khu vực vịnh Nha Trang, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi.
Về giải pháp lâu dài, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 7/2022.
Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu phương án quản lý, khai thác vùng mặt nước trong vịnh Nha Trang theo hướng xã hội hóa, xây dựng mô hình quản trị công - tư, kết hợp hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo vệ các khu bảo tồn trên vịnh Nha Trang một cách hiệu quả, bền vững.