Du khách trải nghiệm khinh khí cầu tại Hà Nội ảnh: hạnh nguyên |
Khách quốc tế còn vắng
Năm 2022, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 10 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 15,38 triệu lượt, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, khách nội địa đạt 14,4 triệu lượt, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 43.690 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 35%, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, khách quốc tế lại chưa đạt mục tiêu đề ra, khi chỉ có gần 983.000 lượt. Với vai trò đầu tàu, ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực triển khai giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa trong việc phát triển du lịch, đặc biệt thu hút khách quốc tế.
Tại cuộc bàn tròn, chủ đề “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19”, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết: “Lượng khách du lịch nội địa thời gian gần đây vượt xa dự báo. Giai đoạn này nhu cầu du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, đặc biệt là từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh. Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ, mà vào ngày thường cũng đông”. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Để bảo đảm phục vụ khách du lịch tốt hơn, ông Thái đề xuất, tiếp tục duy trì lượng khách nội địa. Từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách và giữ uy tín, thương hiệu cho du lịch Thủ đô.
Trong bối cảnh du lịch quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh do Covid-19, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đang cho thấy là điểm đến an toàn, ứng phó tốt với những biến chuyển của dịch bệnh. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian tới, du lịch nội địa vẫn là khâu đột phá để phát triển. Ngành du lịch Hà Nội cần tiếp tục làm tốt việc kết nối các dịch vụ du lịch...
Bên cạnh đó, ông Phong nhấn mạnh: “Hà Nội phải phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực. Sẵn sàng các phương án thay đổi trong hoạt động du lịch hậu Covid-19 cả về xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, quy trình quản lý, đào tạo nguồn nhân lực... Trong đó, chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá, hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm. Đồng thời, tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc”.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết, với đặc thù của Làng cổ Đường Lâm, qua khảo sát cho thấy, phần lớn du khách đến với làng là đi du lịch theo gia đình hay nhóm nhỏ bằng phương tiện cá nhân. Bởi vậy, sau 2 năm gần như “đóng băng” bởi Covid-19, địa phương đã định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng.
“Chúng tôi chú trọng việc kết nối điểm đến với các khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để tạo điều kiện cho khách lưu trú. Tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như: du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, “photo tour” (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ... Cùng với đó là thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch qua các kênh thông tin báo chí, mạng xã hội. Nhờ vậy, 6 tháng qua, địa phương đã đón 25.000 lượt khách, lượng đặt phòng tăng 30%”, ông Thạo chia sẻ.
Hiện Hà Nội có 806 làng nghề, trong đó có 318 làng đã được công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống. Khẳng định Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhưng ông Trần Sỹ Tiến, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, Hà Nội chưa chú trọng phát triển loại hình du lịch này. Do đó, ông Tiến đề xuất các cơ quan chức năng đã phối hợp thí điểm mô hình làng nghề kết hợp với du lịch tại 2 làng nghề là Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và Vạn Phúc (quận Hà Đông) tiếp tục khảo sát 18 làng nghề khác để nhân rộng mô hình này.
“Thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Hà Nội đã công nhận được hơn 1.000 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đạt được tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao. Trong các loại hình có thế mạnh phát triển, có thể tập trung cho du lịch trải nghiệm, phục vụ thị trường du lịch dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố và các địa phương khác có nhu cầu học tập, trải nghiệm”, ông Tiến nói.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất, ngành du lịch Hà Nội phải tập trung xây dựng được những sản phẩm độc đáo mang thương hiệu Thủ đô; cải tạo các điểm du lịch đang xuống cấp; làm tốt công tác xúc tiến quảng bá. Đặc biệt, hiện chất lượng nguồn nhân lực du lịch đang bị sụt giảm, nhân lực chất lượng cao thiếu hụt trầm trọng, nếu không sớm khắc phục thực trạng này thì ngành kinh tế xanh Thủ đô sẽ khó phát triển như kỳ vọng.