Có thể hơi lạc quan khi nhắc đến khát vọng thịnh vượng tại thời điểm này khi bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn đang bộn bề thách thức.
Nhưng ngay từ 55 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi để lại Di chúc thiêng liêng, đã mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng vạch sẵn mục tiêu cụ thể trong hành trình đi đến thịnh vượng của dân tộc. Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây đã nhấn mạnh về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Khát vọng là lớn lao. Và đó là trách nhiệm của mỗi người dân mang trong mình dòng máu Lạc Hồng nhằm hiện thực hóa khát vọng đó.
Trách nhiệm và thách thức càng lớn hơn khi chỉ còn 6 năm nữa là đến dấu mốc 2030 - năm cuối cùng thực hiện Chiến lược 10 năm 2021-2030, cũng là thời điểm ghi dấu mốc Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 100 năm thành lập.
Trong khi đó, biến động địa - chính trị toàn cầu đang khiến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025, xa hơn nữa là đến năm 2030, đối mặt với thách thức không nhỏ. Chưa kể, đó còn là nguy cơ đối diện với bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy tăng trưởng nhưng không xanh… Nếu rơi vào bẫy phát triển, thì con đường đưa đất nước tiến lên cường thịnh càng thêm gập ghềnh.
Nhưng nếu không bước đi, nếu không nỗ lực đặt từng viên gạch nhỏ, thì khát vọng thịnh vượng vẫn mãi chỉ là khát vọng.
Có một điều chắc chắn, việc Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của thế giới, là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, không hề là chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên. Cũng không phải ngẫu nhiên mà gần đây, trong dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn được xếp thứ hạng khá cao trong số các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Theo báo cáo vừa được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố, GDP của Việt Nam tính theo sức mua tương đương (PPP) trong năm 2023 đạt khoảng 1.438 tỷ USD, xếp thứ 25/192 trên thế giới. Dự báo, đến năm 2029, GDP (tính theo PPP) của Việt Nam sẽ lọt top 20 thế giới.
Đó là một trong những minh chứng cho thấy, Việt Nam có tiềm năng và có cơ sở trở thành một quốc gia cường thịnh. Thành tựu của gần 40 năm Đổi mới sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam bước vào hành trình thịnh vượng. Điều kiện cần chính là các kế hoạch, sách lược, chiến lược mà Đảng, Nhà nước đã vạch ra. Và điều kiện đủ chính là sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Để xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, có lẽ còn rất nhiều việc phải làm. Phải tận dụng được vị thế mà Việt Nam gây dựng từ nhiều năm qua, từ đó đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư, hội nhập toàn diện và sâu rộng hơn.
Phải phát huy được những thành tựu của 40 năm Đổi mới và tiếp tục gia tăng sức mạnh cho nền kinh tế.
Phải đầu tư cho văn hóa - gốc rễ của sự phát triển.
Phải đầu tư cho hạ tầng, cho chất lượng nguồn nhân lực - những đột phá chiến lược của đất nước.
Phải xây dựng cho được đội ngũ doanh nhân dân tộc mang tầm vóc quốc tế.
Phải thu hút đầu tư của các “đại bàng” và phát triển được các ngành công nghiệp tiên phong như AI, bán dẫn…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh rằng, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Đó chính là một trong những chìa khóa quan trọng để cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng được thời cơ, tạo sức bật tiến nhanh về phía trước, xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng!