Thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế xuất khẩu sang EU khi EVFTA có hiệu lực. |
Cơ hội có thể tính được
Chiều muộn ngày 12/2, ngay sau khi thông tin Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phát đi những bản so sánh chi tiết mức thuế nhập khẩu mà EU áp dụng cho các mặt hàng thủy sản của Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam, như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc.
Bên cạnh hàng loạt sản phẩm thủy sản chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ ngay lập tức về 0% khi EVFTA có hiệu lực, như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm sú đông lạnh (HS 03061792)..., thì những sản phẩm tôm, cá tra, cá ngừ... thuộc nhóm có lộ trình giảm thuế trong thời gian 3 - 7 năm cũng có mức thuế nhập khẩu hấp dẫn hơn.
“Khả năng tăng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, như Thái Lan, Ấn Độ là rất cao. Các bản so sánh này đã được VASEP tính toán ngay khi các thông tin về EVFTA được công bố, cung cấp cho doanh nghiệp hội viên làm cơ sở cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới. Doanh nghiệp đã vào cuộc từ sớm”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết.
Phải nói thêm, không ít sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đang được EU đơn phương cho hưởng Chế độ Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) như tôm nguyên liệu đông lạnh, tôm chế biến đông lạnh, nên đang có nhiều lợi thế hơn các sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc. Năm 2018, Việt Nam là nhà cung cấp tôm chế biến lớn nhất cho EU, với 22,6% thị phần. EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ, luôn chiếm 17 - 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường...
Đây là lý do mà bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, cơ hội để tăng thêm thị phần khi EVFTA có hiệu lực có thể nói là trong tầm tay các doanh nghiệp không chỉ trong ngành thủy sản.
“Cho dù các mặt hàng có những quy tắc khác nhau, nhưng các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ... của EU luôn ở mức cao, nên khi các doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu, đã tận dụng được tương đối tốt trong giai đoạn vừa qua, thì việc tăng cơ hội sau khi EVFTA có hiệu lực gần như là tất yếu. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là mọi việc thuận lợi, song doanh nghiệp đã ý thức về những thách thức, khó khăn để tuân thủ các tiêu chuẩn cao”, bà Trang chia sẻ về cơ hội từ EVFTA.
Đặc biệt, với EVFTA, cho dù các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, cũng như việc kiểm soát chặt chẽ hơn quy định lao động, môi trường, chất lượng... được doanh nghiệp xem là thách thức, nhưng việc hóa giải không phải là vượt ngoài khả năng.
Thậm chí, bà Trang cho biết, khi làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, hoa quả xuất khẩu, cơ hội để mở thị trường EU rất rõ ràng.
“Nếu như thị trường Mỹ, Australia có cách quản lý hàng nông sản nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện cho từng loại rau quả, đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và cả sự vào cuộc của cả các bộ, ngành, thì EU đưa ra và công khai các điều kiện, tiêu chuẩn... cho toàn bộ sản phẩm nông sản. Nghĩa là, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trả lời câu hỏi có muốn xuất khẩu sang EU không và sẽ biết ngay cách làm thế nào để đáp ứng các điều kiện đó. Điều kiện khó, nhưng minh bạch là một thuận lợi, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn tìm kiếm các thị trường mới khi thị trường truyền thống và dễ tính là Trung Quốc đang gặp khó. Không phải đối tác nào của Việt Nam cũng có được điều này”, bà Trang bình luận.
Lợi ích nhận được phụ thuộc hoàn toàn vào đối sách
Là một trong những chuyên gia kỳ cựu của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, lợi ích của hội nhập mà nền kinh tế nhận được phụ thuộc hoàn toàn vào đối sách của Việt Nam.
“Mục đích tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam không chỉ là tăng cường xuất khẩu, mở rộng sản xuất, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài..., mà còn coi các cam kết trong các FTA thế hệ mới, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA là chất xúc tác để cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu tác động của chệch hướng thương mại... Nhưng phần lớn các mục tiêu này là công việc tự thân của chúng ta”, ông Thành thẳng thắn.
Hàm ý của điều này là, các đối tác của Việt Nam, kể cả trong EVFTA hay các FTA mà Việt Nam đã ký kết, chỉ quan tâm đến việc tuân thủ các cam kết đã ký, còn hiệu quả thế nào thì lại là mối quan tâm của ta.
Và đây chính là chìa khóa trả lời các câu hỏi vẫn treo lâu nay rằng, Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ các FTA như thế nào.
Phải nhắc lại, trong lần rà soát chính sách thương mại đầu tiên trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), được thực hiện theo kỳ 7 năm một lần, WTO đánh giá Việt Nam tuân thủ tốt các cam kết. Tuy nhiên, cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam khai thác được từ WTO lại được nhìn nhận là không cao, chưa kể nhiều cơ hội đã bị biến thành thách thức khi khu vực đầu tư nước ngoài đang trở thành trụ cột trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam...
“Vấn đề không chỉ là những thách thức với xu hướng mới, yêu cầu mới của các FTA, mà với cả những câu chuyện truyền thống, những nút thắt thể chế đã tồn tại lâu nay chưa được gỡ hết... Nếu doanh nghiệp còn khó ở trong nước, thì không thể tận dụng cơ hội ở bên ngoài”, ông Thành phân tích.
Thực ra, những lo ngại trên đã được giới chuyên gia kinh tế nhắc tới nhiều lần. Ngay khi EVFTA được ký kết vào tháng 6/2019, được coi là con đường cao tốc hướng Tây nối Việt Nam với EU, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đã buộc phải nhắc tới những rào cản ở các “tỉnh lộ” khiến thị trường có thể không mở ra thật, có cầu lớn, nhưng doanh nghiệp không tự giải được bài toán có năng lực sản xuất không, có thể cải thiện được năng suất, giảm chi phí được không, có cạnh tranh được với các đối thủ không...
Bà Trang cũng chia sẻ lo ngại này. “Chúng tôi đã đặt câu hỏi rằng, tại sao khi phân tích các cam kết trong EVFTA về cách thức quản lý rủi ro của hải quan, không coi đó là tiêu chuẩn cho toàn bộ quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đối tác sẽ đánh giá chúng ta tuân thủ tốt cam kết, nhưng dòng hàng hóa lưu chuyển vẫn khó khi quản lý chuyên ngành không áp dụng nguyên tắc này. Doanh nghiệp đang kỳ vọng đối sách của Chính phủ không chỉ để tuân thủ cam kết của EVFTA và cả CPTPP, mà còn để tận dụng tối đa các FTA của Việt Nam”, bà Trang khuyến nghị.
Vào lúc này, các chuyên gia lại nhắc tới các đầu việc chi tiết với các đầu mối cụ thể mà Chính phủ đã giao tại Nghị quyết 02/2020/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Cơ hội thực sự từ EVFTA vẫn đang đợi nỗ lực tháo gỡ các rào chắn đường ra cao tốc của doanh nghiệp Việt...