Tổng công ty cổ phần Sông Hồng đã trúng gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa Tiên Du (Bắc Ninh) trị giá gần 38 tỷ đồng. Trong ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tiên Du |
Chủ tịch Công ty AIC tiếp tục bị xét xử vắng mặt
Theo lịch làm việc, ngày 29/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan. Phiên tòa dự kiến xét xử trong 3 ngày, do Thẩm phán Vũ Công Đồng làm Chủ tọa.
Liên quan tới vụ án này, nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị cáo buộc đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng để “giúp đỡ” Công ty AIC và Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) “thông thầu” tại 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho 6 bệnh viện trên địa bàn, gây thiệt hại gần 50 tỷ đồng.
Trong đó, có cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh; cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hạnh Chung; cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh Trần Văn Tuynh.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh nhận hối lộ 2 tỷ đồng và nhận “quà biếu” 8,1 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Các bị cáo khác gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty AIC; Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty AIC; Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng; Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh… bị đưa ra xét xử về một trong các tội danh “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đây là lần thứ tư, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đưa ra xét xử vắng mặt tại các vụ án khác nhau, do liên quan tới các vi phạm trong quá trình tham gia dự thầu một số gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế trên cả nước.
Tại 3 phiên tòa trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù về các tội “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự, trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT).
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bị cáo Nguyễn Hồng Sơn đang bỏ trốn, bị truy nã quốc tế, truy nã đặc biệt, nhưng chưa có kết quả.
Các cơ quan tố tụng cũng đã nhiều lần kêu gọi các bị cáo này ra đầu thú, song các bị cáo không chấp hành, tự từ bỏ quyền bào chữa theo quy định của pháp luật. Do đó, Tòa án quyết định xét xử vắng mặt đối với các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Hồng Sơn.
Doanh nghiệp “xin” chủ trương, đổi lại được trúng thầu
Từ năm 2006 đến năm 2008, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định phê duyệt các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, gồm các huyện Gia Bình, Yên Phong, Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Tiên Du; giao Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế (thuộc Sở Y tế Bắc Ninh) làm chủ đầu tư.
Các dự án này được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác, với tổng mức đầu tư hơn 497 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2013, các bệnh viện trên đã cơ bản thực hiện xong đầu tư hạng mục xây dựng, nhưng thiếu vốn đầu tư mua sắm, lắp đặt thiết bị y tế.
Sau khi được giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án dở dang, lĩnh vực y tế tỉnh Bắc Ninh được bổ sung 850 tỷ đồng, trong đó 6 bệnh viện trên được bổ sung 461 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, khoảng năm 2013, ông Đặng Tiên Phong (mất năm 2021), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Sông Hồng (sau này là Tổng công ty cổ phần Sông Hồng) liên hệ với Trần Văn Tuynh, đặt vấn đề về việc xin vốn bổ sung từ Trung ương cho lĩnh vực y tế tại Bắc Ninh.
Đổi lại, tỉnh Bắc Ninh phải giúp Công ty Sông Hồng trúng 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại 6 bệnh viện tuyến huyện đang chờ nguồn vốn đầu tư. Việc này được nhóm bị cáo thời điểm đó đang là lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh (Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh) đồng ý.
Trong khoảng thời gian này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đặt vấn đề với Trần Văn Tuynh về việc tác động để xin vốn trung ương bổ sung cho các dự án về y tế ở tỉnh Bắc Ninh.
Tương tự, Công ty AIC đề xuất được trúng 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho 6 bệnh viện và được bị cáo Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh đồng ý.
Tuy nhiên, đề nghị này trùng với đề nghị của Công ty Sông Hồng, do đó, Trần Văn Tuynh đã thống nhất với 2 doanh nghiệp này, đồng thời báo cáo và được các bị cáo Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh đồng ý với phương án phân chia mỗi công ty được “đảm bảo” trúng 3 gói thầu.
Hợp thức hồ sơ, báo giá thiết bị để hưởng chênh lệch
Với 3 gói thầu của Công ty Sông Hồng, Lã Tuấn Hưng đã phối hợp với Nguyễn Đằng An (cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh), nhận các danh mục, cấu hình thiết bị, đơn giá có trong hồ sơ mời thầu…, sau đó liên hệ với các nhà cung cấp, đề nghị được lấy giấy ủy quyền phân phối, rồi lập hồ sơ dự thầu theo đúng danh mục được cung cấp, đảm bảo đạt các tiêu chí để trúng thầu.
Cùng với đó, Lã Tuấn Hưng cũng sử dụng các công ty khác nhau do mình quản lý, điều hành để mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu để làm “quân đỏ”; nhờ các công ty quen biết làm “quân xanh”, nhằm mục đích hợp thức hóa thủ tục, đảm bảo trúng thầu.
Kết quả, các công ty của Lã Tuấn Hưng đã trúng 3 gói thầu theo như thỏa thuận với nhóm cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, với tổng trị giá gần 126,3 tỷ đồng; sau đó được quyết toán trái quy định hơn 126,4 tỷ đồng.
Với 3 gói thầu của Công ty AIC, Nguyễn Đằng An cũng cung cấp trước danh mục, cấu hình kỹ thuật các thiết bị y tế dự kiến mua sắm, tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt.
Phía Công ty AIC sau đó liên hệ với các đơn vị cung cấp hàng hóa đầu vào để chuẩn bị hàng hóa, giá bán, tính toán lợi nhuận; lập và ký các báo giá đứng tên các công ty trong hệ sinh thái Công ty AIC, đưa cho phía chủ đầu tư để lập báo cáo và chứng thư thẩm định giá, làm căn cứ phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Các bị can cũng phối hợp với Nguyễn Đằng An xây dựng hồ sơ mời thầu; chỉ định, sắp xếp các công ty “quân xanh”, “quân đỏ” tham gia dự thầu để hợp thức hồ sơ và đảm bảo trúng thầu.
Không ngoài dự kiến, Công ty AIC trúng 2 gói thầu và Công ty cổ phần Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) trúng 1 gói thầu, với tổng giá trị hơn 126 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, 6 gói thầu do 2 công ty này trúng thầu đã được nâng giá thiết bị, thực hiện trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 48 tỷ đồng.