Ô tô - xe máy
Hiệp hội, địa phương đồng lòng kiến nghị kích cầu, cứu sản xuất ô tô
Thanh Hương - 07/03/2023 16:00
Giảm lệ phí trước bạ, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô sản xuất trong nước nhằm giữ nhịp sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ và đảm bảo an sinh.

Sản xuất lo khi thị trường lao dốc

Theo ông Lê Ngọc Đức, Phó chủ tịch TC Group, nếu thị trường vẫn diễn biến như những tháng đầu năm 2023 thì doanh số bán cả năm (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có thể sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với 2022, tương đương với hơn 85.500 xe.

Đáng ngại hơn là là sự giảm tốc của năm 2023 sẽ kéo theo tốc độ “ô tô hóa” tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến (trong điều kiện thị trường tăng trưởng ổn định và không bị tác động bởi các yếu tố như kinh tế, dịch bệnh,... ).

Thị trường xe ô tô (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới, tương đương 1,807 triệu xe.

Điều này nếu diễn ra sẽ là tin không vui với thị trường ô tô Việt Nam khi vừa bỏ được định danh “thị trường nhỏ” do vượt mốc bán 500.000 xe trong năm 2022.

Tuy nhiên, thành quả hơn 500.000 xe bán ra này có sự đóng góp không nhỏ và kịp thời từ chính sách của Chính phủ  khi nhận phần thiệt vì đã giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/12/2021-31/5/2022 và gia hạn kỳ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cho xe sản xuất trong nước từ tháng 6 đến tháng 9/2022.

Trước đó, năm 2020, việc giảm 50% lệ phí trước bạ này cũng đã được thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Còn gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã được thực hiện trong năm 2020 và 2021.

Nhờ các lực đẩy này, đã có nhiều doanh nghiệp ô tô tiếp tục gia tăng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm tại Việt Nam.

Hai mẫu xe mới được Toyota đưa vào sản xuất tại Việt Nam từ cuối năm 2022, thay vì nhập khẩu từ Indonesia

Đơn cử cuối năm 2022, Toyota Việt Nam đã đưa thêm 2 mẫu xe vào sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia sau khi tốn nhiều thời gian và công sức bởi Indonesia cũng muốn duy trì sản lượng sản xuất tại nước mình.

Trước đó, giữa tháng 11/2022, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn Ô tô Hyundai đã khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 có quy mô 100.000 xe/năm tại KCN Gián Khẩu. Kết hợp với nhà máy số 1, tổng công suất xe Hyundai xuất xưởng tại Ninh Bình được thiết kế là 180.000 xe/năm, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.

Ở phân khúc cao hơn, Tập đoàn BMW cùng THACO AUTO đã bước sang giai đoạn lắp ráp các mẫu xe BMW 3 Series, BMW 5 Series, BMW X3 và BMW X5 tại nhà máy ở Chu Lai (Quảng Nam).

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí (VAMI) nhận xét, việc doanh nghiệp tăng tốc đầu tư vào sản xuất và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam thay vì nhập khẩu xe nguyên chiếc về cũng đòi hỏi chính sách của Nhà nước cần có sự động viên kịp thời.

Tại Toyota Việt Nam, cạnh tăng số mẫu xe lắp ráp, doanh nghiệp còn tiếp tục phát triển nội địa hóa khi lập danh sách các nhà cung cấp nội địa tiềm năng, tiến hành phân loại và đưa ra kế hoạch hỗ trợ thích hợp nhằm tạo ra nơi làm việc an toàn, sản phẩm chất lượng cao và chi phí cạnh tranh.

Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới con số 58, trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại. Riêng trong năm 2022, đã có 4 nhà cung cấp được lựa chọn là Kim Sen, Cao su 75, Nhật Minh, Osaka.

Thaco hiện có khoảng 20 nhà máy công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai và đang tiếp tục đầu tư vào sản xuất cơ khí, công nghiệp hỗ trợ

Cũng không ngừng nghỉ thúc đẩy sản xuất công nghiệp hỗ trợ còn có THACO với kế hoạch đến năm 2025, tại Chu Lai sẽ có 36 nhà máy công nghiệp hỗ trợ, một tổ hợp cơ khí chế tạo với mục tiêu trở thành trung tâm cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

THACO cũng đã có khoảng 20 nhà máy công nghiệp hỗ trợ gồm nhà máy ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; linh kiện composite; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô với mục đích đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, giảm giá thành.

Các dự án đang được THACO tiếp tục đầu tư mới hay nâng cấp, mở rộng là tổ hợp nội thất xe du lịch; sản xuất kính xe du lịch; mâm xe; linh kiện và sản phẩm xuất khẩu; các dây chuyền đúc, dập nóng và phát triển các dự án sản xuất công nghệ cao như sản xuất và lắp ráp linh kiện bo mạch điện tử, robot công nghiệp…

Dẫu vậy, những nỗ lực gia tăng sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ đang mạnh lên này có thể bị xoá nhoà khi thị trường ô tô đang giảm tốc mạnh trong 4 tháng qua và có xu hướng chưa dừng lại.

Hiệp hội và địa phương đồng lòng: cứu sản xuất

Góp ý với Bộ Công thương liên quan tới các chính sách hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023, Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã ủng hộ việc ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô và giảm lệ phí trước bạ cho xe ô tô đăng ký mới.

Theo VAMA, doanh số bán hàng đã giảm mạnh trong 2 tháng cuối năm 2022 với mức rất lớn. Cụ thể, giảm tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 51% so với tháng trước đó.

“Suy giảm doanh số bán hàng những tháng trước thời điểm Tết Nguyên đán 2023 là những tín hiệu bất thường và đáng ngại với các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam”, ông Bradley Christia Anthony Kelly, Chủ tịch VAMA nhận xét và mong mỏi Chính phủ sớm ban hành các chính sách ngay đầu quý II/2023 để kịp hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm duy trì sản xuất, tạo công việc làm ổn định cho người lao động.

Một số doanh nghiệp có sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng cho Báo Đầu tư biết, tính chung 2 tháng tình hình vẫn chưa khả quan, doanh số bán vẫn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xe sản xuất, lắp ráp trong nước giảm tới 40%.

Các chi tiết màu đỏ là được sản xuất tại Việt Nam và lắp trên một số mẫu xe của Toyota Việt Nam

Trước đó ngày 22/2, VAMA cũng “thiết tha kiến nghị Chính phủ xem xét giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt” bởi doanh số giảm mạnh nằm ngoài dự tính, lượng tồn kho tăng cao đã dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp hiện tại rất căng thẳng và giải pháp này mang hiệu quả tức thì với hoạt động của doanh nghiệp ngành ô tô.

Biện pháp gia hạn nộp thuế này của Chính phủ áp dụng trong giai đoạn 2020-2022 được VAMA đánh giá cao vì đã góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, giúp doanh nghiệp cân đối nguồn tài chính duy trì sản xuất kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo nguồn thu Ngân sách Nhà nước.

Cũng rất trăn trở cho ngành công nghiệp cơ khí cũng như công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, lãnh đạo VAMI cho hay, thị trường ô tô đang sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đã đề ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn lực và giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ là không đủ tạo sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và bền vững.

Giảm 50% lệ phí trước bạ và giãn thời gian nộp thuế tiêu thụ cho doanh nghiệp ô tô sản xuất trong nước là kiến nghị của VAMI.

Đây cũng đồng thời là đề xuất của UND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, nơi mà nguồn thu từ ô tô đóng góp 60-70% ngân sách hàng năm.

Báo cáo của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho hay, nhiệm vụ thu thuế trên địa bàn 2 tháng có những khó khăn nhất định và có thể ảnh hưởng hết nửa đầu năm 2023. Cụ thể, số thuế phát sinh trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 chỉ là xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó do thị trường ô tô có sức mua kém.

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, sản xuất và tiêu thụ ô tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công có sự giảm sút lớn. Trong tháng 1/2023, sản lượng tiêu thụ ô tô chỉ đạt 2.957 xe, giảm 4.939 xe (tương đương 62%) so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3.732 xe (tương dương 55,8%) so với tháng 1/2022.

“Đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường trong nước, gia tăng sản lượng lắp ráp ô tô trong nước, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động”, là kiến nghị được ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình gửi tới Thủ tướng và các bộ, ngành.  

Để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ tài chính và ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành, như tiếp tục ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 và tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (6 tháng hoặc đến hết năm 2023).
Tin liên quan
Tin khác