Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, tất cả 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán báo cáo tài chính niên độ năm 2011 đều phải điều chỉnh báo cáo tài chính theo kết luận của KTNN.
| ||
Theo đó, tổng tài sản, nguồn vốn được điều chỉnh giảm 1.477 tỷ đồng; doanh thu, thu nhập thuần giảm 1.015 tỷ đồng; tổng chi phí giảm 2.347 tỷ đồng, làm tăng lợi nhuận trước thuế so với báo cáo trước đó của 27 đơn vị này là 1.305 tỷ đồng.
Vẫn theo ông Dũng, về cơ bản, các doanh nghiệp đã quản lý nợ phải thu đúng quy định.
“Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều đơn vị trong số 271 đơn vị thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán, quản lý nợ chưa chặt chẽ, để khách hàng chiếm dụng vốn với số tiền không nhỏ, nợ xấu tăng cao, việc ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn, nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm tiền ứng trước đã đẩy nhiều đơn vị đến nguy cơ cụt vốn. Ngoài ra, tình trạng chưa phân loại nợ làm cơ sở trích lập dự phòng, việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đầy đủ hoặc không đúng quy định; quản lý nợ tạm ứng không chặt chẽ dẫn đến nợ quá hạn tồn đọng lớn... diễn ra khá phổ biến”, ông Dũng cho biết.
Tại thời điểm 31/12/2011, trong số 25.750 tỷ đồng đầu tư tài chính của 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán, KTNN xác nhận: “Không có khoản đầu tư nào ngoài ngành, hoạt động đầu tư của các đơn vị về cơ bản thực hiện theo đúng quy định”.
Mặc dù đều đầu tư theo đúng quy định, nhưng theo ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN, hiệu quả đầu tư dài hạn vào các công ty con và công ty liên kết có nguồn gốc từ cổ phần hóa rất thấp; không ít công ty liên doanh, liên kết bị thua lỗ, nên các khoản đầu tư đứng trước nguy cơ mất vốn. Trong đó, tất cả các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều bị thua lỗ.
Chẳng hạn, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm dầu khí – Công ty cổ phần (PVC) đầu tư vào PVC-SG lỗ 85,8 tỷ đồng, đầu tư vào PVC Land lỗ 66,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư bê tông công nghệ cao (Sopewaco) lỗ 48,5 tỷ đồng…
Còn đối với lĩnh vực chứng khoán, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) trước đây đã “mạnh dạn” đầu tư 118,53 tỷ đồng, do thị trường giảm giá, nên đã buộc phải trích lập dự phòng 42,23 tỷ đồng. Cũng với nguyên nhân này, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) phải bỏ ra 18,5 tỷ đồng để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Công ty Chứng khoán VICS, chưa kể 5,6 tỷ đồng trích lập dự phòng do đầu tư 16 tỷ đồng mua cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh.
Trong khi đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng phải trích lập dự phòng 47,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư 59,5 tỷ đồng của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam. Vinafood 2 cũng bị thua lỗ nặng đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu của Vietcombank vì bỏ ra 52,57 tỷ đồng mua cổ phiếu VCB, nhưng khi Vietcombank niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì khoản đầu tư của Vinafood 2 bị “bay hơi” chỉ còn 16,64 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2011 nhìn chung không có gì sáng sủa và kém khá nhiều so với các thành phần kinh tế khác. Cụ thể, theo số liệu của KTNN, năm 2011, trong khi khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp ngân sách nhà nước vượt hơn 5% và 5,8% so với dự toán, thì khu vực doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách lại giảm 2,4% dự toán (tương đương 3.142 tỷ đồng).
Thế nhưng, khu vực doanh nghiệp nhà nước lại khá “thoải mái” trong việc trả lương cho đội ngũ lãnh đạo và chức danh quản lý tại khu vực văn phòng, không tương xứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Chẳng hạn, thu nhập bình quân tháng trong năm 2011 của lãnh đạo Vinafood 1 là 56,5 triệu đồng/người, thu nhập hàng tháng của người lao động trong khối văn phòng Vinafood 1 là 28,4 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn còn khá khiêm tốn so với Vinafood 2 (lãnh đạo có thu nhập hàng tháng 79,749 triệu đồng, người lao động trong văn phòng Vinafood 2 có thu nhập nhập 32,9 triệu đồng)…
Mạnh Bôn