Đã đến lúc doanh nghiệp, doanh nhân phải hành động để thay đổi hình ảnh, để khẳng định hình ảnh của những người tiên phong trên con đường đi đến thịnh vượng của đất nước, dân tộc. |
Trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes cập nhật hồi đầu năm 2019, Việt Nam có 5 tỷ phú USD.
Mới đây nhất, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chính thức công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng số thuế mà 1.000 doanh nghiệp đã nộp chiếm 60,3% tổng thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp...
Đặc biệt, trong kỷ lục mới mà Việt Nam vừa ghi được, là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), sự tăng trưởng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, của doanh nghiệp có ý tưởng đột phá góp phần quan trọng...
Khu vực kinh tế tư nhân đã có một hành trình đủ dài, đã chứng tỏ bản lĩnh, sự dũng cảm khi đương đầu với vô vàn khó khăn từ thương trường, từ môi trường kinh doanh, từ tư duy còn ngần ngại của xã hội với thành phần kinh tế tư nhân..., để khẳng định tư thế của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế nhân đã thực sự đĩnh đạc có mặt trong các quyết sách lớn nhất của đất nước hiện tại và con đường phát triển tới.
Nhưng, dưới giác độ của công chúng và xã hội, doanh nhân Việt Nam, kể cả những “tỷ phú đô la” vẫn chưa thực sự được nhìn nhận như những tài năng. Thậm chí, hình ảnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị gắn nhiều tới hình ảnh của quan hệ thân hữu, của chiếm đoạt địa tô, lợi dụng cơ chế, chính sách...
Nhiều người gọi đây là nỗi đau của doanh nhân Việt Nam. Hình thành trong bối cảnh kinh tế chuyển đổi, cơ chế, chính sách thay đổi liên tục, tư duy quản lý nhà nước chưa được xác định rõ ràng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chọn con đường tận dụng cơ chế, chính sách và cả những khoảng trống pháp lý để tồn tại, phát triển.
Khi thị trường Việt Nam kết nối với thế giới, đặt Việt Nam trong chuẩn mực toàn cầu, khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt của các doanh nghiệp quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân đã có những bước chuyển dịch lớn, tham gia vào những ngành, lĩnh vực tạo nền tảng phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã gắn kết với cộng đồng, với xã hội với những triết lý kinh doanh phụng sự xã hội, phụng sự sự phát triển bền vững...
Đây là lúc, doanh nghiệp, doanh nhân phải hành động để thay đổi hình ảnh, để khẳng định hình ảnh của những người tiên phong trên con đường đi đến thịnh vượng của đất nước, dân tộc. Nhưng đây cũng là lúc, xã hội phải công bằng trong nhìn nhận, đánh giá về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.