Y tế - Sức khỏe
Ho, nổi hạch có phải dấu hiệu của ung thư hạ họng?
D.Ngân - 24/10/2024 07:22
Đi khám do xuất hiện triệu chứng ho, sờ thấy hạch ở vùng cổ trái, người đàn ông nhận kết quả ung thư hạ họng giai đoạn muộn.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận, thăm khám cho một trường hợp mắc ung thư hạ họng biểu mô vảy xâm nhập. Bệnh nhân là ông Đ.X.T. (55 tuổi, ở Hưng Yên).

Ảnh minh họa

Ông T. đến khám do xuất hiện triệu chứng nuốt vướng 1 bên khoảng 1 tháng nay kèm ho, đau rát họng, sờ thấy hạch cổ bên trái. Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân có thói quen uống rượu, hút 30 bao thuốc lá/năm.

Qua thăm khám, bác sỹ phát hiện các nhóm hạch ở vùng cổ trái, sờ cứng, chắc, không di động với kích thước lớn nhất đo được khoảng 30x30mm. Nội soi tai mũi họng cho thấy một khối u không rõ bản chất tại hạ họng bên trái.

Kết quả siêu âm và MRI xác nhận có khối u thành bên họng bên trái, nghi ngờ xuất phát từ xoang lê bên trái, đè đẩy, xâm lấn xung quanh. Các nhóm hạch bất thường cũng xuất hiện ở cả hai bên cổ, ưu thế bên trái.

Sinh thiết khối u cho thấy mô u với các tế bào nhân lớn, kiềm tính, sắp xếp thành đám, có vùng sừng hóa và hoại tử.

Dựa vào các kết quả chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng, bác sỹ kết luận bệnh nhân mắc ung thư hạ họng biểu mô vảy xâm nhập giai đoạn T3N2bMx (giai đoạn muộn).

Bác sỹ Nguyễn Phương Dung, chuyên khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, ung thư hạ họng là bệnh lý xuất phát từ vùng hạ họng, phổ biến nhất ở khu vực xoang lê. Khi khối u lan rộng đến thanh quản, nó được gọi là ung thư vùng hạ họng - thanh quản.

Đây là loại ung thư đứng thứ hai trong nhóm ung thư vùng tai - mũi - họng, chỉ sau ung thư vòm họng. Bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 45-65 với tỷ lệ nam/nữ là 5/1.

Ung thư hạ họng thường diễn biến thầm lặng trong thời gian dài với các triệu chứng xuất hiện từ từ, bao gồm rối loạn nuốt (khó nuốt, nuốt vướng ngày càng tăng dần, đầu tiên là một bên sau lan sang 2 bên họng); đau họng kéo dài, tăng dần, có thể kèm theo đau tai; nổi hạch vùng cổ (hạch rắn, chắc, di động hạn chế, không đau). Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có biểu hiện sụt cân, khó thở và khàn tiếng do khối u xâm lấn vào thanh quản, dây thần kinh.

Cũng theo bác sỹ Dung, nguyên nhân của ung thư hạ họng chưa được xác định rõ ràng, nhưng có một số yếu tố nguy cơ đáng chú ý như hút thuốc lá khi tỷ lệ mắc ung thư hạ họng tăng theo mức độ hút thuốc;

Uống rượu: Rượu gây kích thích niêm mạc họng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh;

Vệ sinh răng miệng kém làm các vi khuẩn hội sinh phát triển mạnh gây nên các viêm nhiễm mạn tính vùng họng, kích thích viêm kéo dài là yếu tố thuận lợi của ung thư hạ họng;

Nhiễm vi rút HPV là yếu tố nguy cơ của ung thư vòm mũi họng, trong đó có ung thư hạ họng; kích thích mạn tính vùng họng do trào ngược dạ dày thực quản;

Hội chứng Plummer-Vinson: Đặc trưng bởi tình trạng khó nuốt, thiếu máu, thiếu sắt và lưới thực quản. Bệnh có liên quan đến tăng tỷ lệ ung thư hạ họng ở các phụ nữ không hút thuốc lá vùng Bắc Âu;

Ô nhiễm môi trường hoặc công nhân tiếp xúc với A-mi-ăng, bụi gỗ làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạ họng. Chẩn đoán ung thư hạ họng đòi hỏi các kỹ thuật chuyên sâu và chính xác để xác định vị trí, mức độ xâm lấn và loại tế bào ung thư.

Việc nhận biết các yếu tố nguy cơ, thực hiện các phương pháp chẩn đoán sớm là cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện và điều trị ung thư hạ họng kịp thời, hiệu quả.

Bác sỹ Dung khuyến cáo, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 45-65 tuổi, có thói quen hút thuốc, uống rượu bia…), hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ liên quan đến ung thư hạ họng, hãy chủ động đến các cơ sở y tế uy tín tầm soát ít nhất 1 năm/lần.

Tin liên quan
Tin khác