Việt Nam có rất nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV. Thưa ông, Luật Hỗ trợ DNNVV có những điểm mới gì so với các chính sách hỗ trợ hiện nay?
Ngay từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 56/2009/NĐ-CP trợ giúp phát triển DNNVV, Nghị quyết 22/NQ-CP năm 2009, Quyết định 601/QĐ-TTg năm 2013 về việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 13/2015/TT-BKHĐT về ban hành Danh mục lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ và tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ Phát triển DNNVV…
. |
Các chính sách hỗ trợ DNNVV hiện nay được quy định rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, cao nhất mới ở cấp nghị định nên giá trị pháp lý chưa cao, hơn nữa hoạt động hỗ trợ chưa thực sự hướng vào trọng tâm, trọng điểm, chính vì vậy mới phải ban hành một văn bản pháp lý ở cấp luật. Luật Hỗ trợ DNNVV khẳng định 7 nội dung hỗ trợ chung, 3 trọng tâm hỗ trợ có mục tiêu. Đặc biệt, Luật giao nhiệm vụ rõ ràng trách nhiệm hỗ trợ DNNVV cho các cơ quan trung ương cũng như địa phương, tạo sự đồng bộ, thống nhất, có định hướng trọng tâm trong công tác hỗ trợ.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Thứ nhất, là thay đổi quan điểm, cách thức hỗ trợ, đó là việc hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân hỗ trợ không hiệu quả, không thu hút được sự quan tâm của DNNVV là hỗ trợ những gì Nhà nước có, mà không phải cái doanh nghiệp cần. Vì vậy, các nội dung, biện pháp hỗ trợ trong Luật được thiết kế dựa trên khảo sát các nhu cầu của DNNVV nhằm đáp ứng tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển về chất lượng và quy mô. Một số dịch vụ mà thị trường làm tốt, cung cấp khá đa dạng như đào tạo, tư vấn thuế, kế toán, thông tin… thì Nhà nước không cần hỗ trợ hoặc tham gia. Luật cũng thể hiện quan điểm thị trường trong hỗ trợ DNNVV, chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng và có tiềm năng phát triển tốt nhất trong điều kiện nguồn lực hạn chế, không hỗ trợ tất cả doanh nghiệp.
Thứ hai, là thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ vì các cơ quan, tổ chức nhà nước trực tiếp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV như hiện nay chưa hẳn đã hiệu quả. Theo đó, việc sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước cho DNNVV thông qua cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp không giao tổ chức sự nghiệp nhà nước cung cấp như hiện nay, mà sẽ đấu thầu lựa chọn tổ chức cung cấp dich vụ đủ điều kiện trên thị trường để cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Công tác hỗ trợ DNNVV hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn có nguyên nhân là chính quyền địa phương và bản thân hiệp hội doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc. Hạn chế này sẽ được khắc phục ra sao, thưa ông?
Luật Hỗ trợ DNNVV thực sự nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của địa phương, tổ chức hiệp hội. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với công tác hỗ trợ DNNVV. Hàng năm, UBND cấp tỉnh phải xây dựng dự toán ngân sách hỗ trợ đối tượng này trình HĐND quyết định. Nếu không có quy định này, các địa phương có số thu ngân sách thấp, đang phải nhận sự trợ giúp từ Trung ương hàng năm thường không bố trí ngân sách hoặc bố trí rất ít ngân sách để hỗ trợ DNNVV.
Luật cũng khẳng định sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ DNNVV. Đáng lưu ý, Luật đã chuyển doanh nghiệp từ đối tượng quản lý sang đối tượng phục vụ, tiến tới là đối tác cùng phối hợp triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ DNNVV.
Đáng lưu ý là, Luật Hỗ trợ DNNVV được thiết kế không chỉ cho đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, mà còn nhằm mục đích tạo khung pháp lý để khuyến khích các tổ chức ngoài nhà nước tham gia hỗ trợ phát triển DNNVV.
Chính sách hỗ trợ rất nhiều. Theo ông, Luật có sớm đi vào cuộc sống?
Khi xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV cũng có nhiều ý kiến, trong đó có cả ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng, các chính sách hỗ trợ quy định trong Luật rất chung chung, khó thực hiện. Nhưng cuối cùng, Quốc hội xác định cần phải xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV dưới hình thức luật khung, nhưng có nguyên tắc về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ, chủ thể thực hiện… và giao Chính phủ quy định chi tiết, phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ.
Để đưa Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống, từ nay đến cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xây dựng 4 nghị định hướng dẫn, trong đó có Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định hướng dẫn về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định hướng dẫn về Quỹ Phát triển DNNVV. Còn Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định hướng dẫn về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Như vậy chỉ còn khoảng 5 tháng để xây dựng 4 nghị định. Thưa ông, tiến độ xây dựng nghị định có kịp để khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực có thể đi ngay vào cuộc sống kể từ 1/1/2018?
Dự thảo của 4 nghị định này đã được trình Quốc hội trong hồ sơ Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV. Các quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ đã được quy định khá chi tiết trong 4 nghị định, chính vì vậy Luật Hỗ trợ DNNVV mới nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu Quốc hội.