Cuộc thi Miss Tourism Vietnam 2020 đã khép lại với nhiều bàn tán và tranh luận xung quanh việc cuộc thi không tìm ra được ngôi vị cao nhất mà chỉ có 2 á khôi xinh đẹp Bùi Minh Anh và Ngô Mỹ Hải.
Tuy nhiên, vượt qua nhiều bàn tán đa chiều, cùng với sự ra đời của Nghị định 144/2020 thay thế cho Nghị định 79 Quy định về hoạt động biểu diễn, mọi người đã dần nhận ra chân giá trị của việc trao giải chính xác càng được nâng cao hơn.
Trong giá rét 7 độ của vùng núi phía Bắc, 9 cô gái xinh đẹp nhất cuộc thi Miss Tourism Vietnam 2020 đã đến khu vực hồ sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) và bắt tay vào việc phủ xanh đất trống.
Công ty Truyền thông Quảng cáo Tấm và Cám, Đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Tourism Vietnam 2020 đã tài trợ 2.700 cây xanh. Bao gồm thông, tếch, dừa để phủ xanh 5,3 ha đất trống tại Khu vực Thác Khuổi Nhi - Nà Phường (xã Thượng Lâm); Khu vực Cọc Vài (xã Thượng Lâm); Khu vực Khuôn Phay, Nà Năm (xã Phúc Yên). Quy mô phủ xanh đất trống khoảng 500 cây/ha.
Chuyến đi trồng cây của đoàn khá vất vả bởi thời tiết giá rét, mọi hoạt động đều thực hiện ngoài trời và kéo dài cả ngày. Những lúc ngồi trên xe hay trên thuyền, Ban tổ chức đều phải chuẩn bị thêm chăn ấm chống rét.
Không quản ngại đường xa và giá lạnh, những cô gái xinh đẹp nhất gồm có Bùi Minh Anh (Á khôi 1, Người đẹp thân thiện, Người đẹp ứng xử), Ngô Mỹ Hải (Á khôi 2, Người đẹp áo dài), Nông Thị Thiêng (Top 5), Bùi Bích diệp (Top 5), Lê Trần Bình An (Top 10, Lê Phương Tuyết (Top 10, Người đẹp nhân ái), Lê Thị Thu Tâm (Top 10, Người đẹp thể hình), Nguyễn Công Phương Mai (Top 30) và Đào Hoàng Anh (Top 30 Người đẹp trang phục vùng miền đẹp nhất) đã hoàn thành công việc trồng cây phủ trống đất.
Việc phủ xanh đất trống tại khu vực phòng hộ đầu nguồn hồ sinh thái Na Hang thuộc huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) có ý nghĩa rất thực tế để bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, phòng chống thiên tai, sạt lở, lũ ống, lũ quét,.. Đồng thời, góp sức bảo vệ rừng, gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Thực tế tại huyện Lâm Bình (Tỉnh Tuyên Quang) mấy chục năm qua cho thấy, những xã, khu vực giữ rừng đầu nguồn tốt thì ít xảy ra lũ lụt, sạt lở đất và ngược lại những nơi tỷ lệ che phủ rừng thấp thì xảy ra lũ lụt, sạt lở đất, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, thậm chí cả tính mạng con người.
Đến với Huyện Lâm Bình, một huyện xa và nghèo nhất tỉnh Tuyên Quang nhưng đặt công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, do đó đã tập trung thực hiện công tác trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 73% năm 2011 lên trên 78% năm 2020.
Hiện nay Huyện Lâm Bình được đánh giá là một trong số ít địa phương có độ phủ rừng cao nhất nước, trên 75% diện tích tự nhiên toàn huyện.