Điểm nóng
Hoàn lưu bão số 13 gây gió giật cấp 11 tại đảo Cồn Cỏ và TT-Huế
Nguyên Lý-Đỗ Trưởng - 15/11/2020 09:03
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, dự báo sáng ở Quảng Trị, trên đất liền có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Hàng loạt cây to bị đổ tại thành phố Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, vào rạng sáng 15/11 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Vùng ven biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Thành phố Đông Hà gió giật cấp 7.

Dự báo sáng cùng ngày ở Quảng Trị, trên đất liền có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và phía Tây của huyện Cam Lộ có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.

Thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện ven biển: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh có gió cấp 6-7; đến trưa gió mạnh giảm nhanh.

Ở vùng biển bao gồm đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh.

Vùng ven biển có khả năng nước dâng do bão cao từ 0,5-1m; đến trưa gió mạnh và sóng lớn giảm dần.

Cơ quan chức năng cảnh báo từ đêm 14-16/11, các sông ở Quảng Trị xuất hiện một đợt lũ lên mức từ báo động 2 đến báo động 3.

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông các huyện Hướng Hóa, Đakrông. Đặc biệt chú ý sạt lở đất khu vực các xã Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh thuộc huyện Hướng Hóa.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi huyện Cam Lộ, các xã phía Tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng.

Nguy cơ xảy ra ngập úng vùng thấp trũng ven sông các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị.

Để ứng phó với bão số 13, tỉnh Quảng Trị đã di dời trên 35.000 người đến các điểm an toàn để tránh bão và sạt lở đất. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã giúp người dân chằng chống và gia cố trên 3.000 ngôi nhà; tập trung ở các huyện ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa.

Trong tỉnh đã có 2 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa phòng chống bão số 13 gồm ông Phạm Duy Dược, 60 tuổi ở thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Lịnh bị gãy chân và xương bả vai; anh Nguyễn Đình Thanh, 32 tuổi, trú tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh bị chấn thương ở mặt.

Nước trên sông Hương dâng cao. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Bão số 13 đã bắt đầu đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế từ 20 giờ ngày 14/11 kéo dài đến khoảng 4 giờ ngày 15/11, với sức gió cấp 6, cấp 8, giật cấp 11.

Thời gian bão số 13 giật cấp 11 liên tục trong khoảng thời gian từ 0-4 giờ ngày 15/11.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến khoảng 6 giờ ngày 15/11, thành phố Huế đã không còn có gió mạnh, tuy nhiên tại khu vực huyện Phong Điền vẫn đang có gió lớn do ảnh hưởng của bão số 13.

Mặc dù bão hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng lượng mưa gây ra không lớn, mực nước lũ trên sông Hương lúc 7 giờ ngày 15/11 hiện chỉ trên báo động 2 là 0,2m, sông Bồ trên báo động 3 là 0,3m. Tuy nhiên triều cường lại ở mức cao, ghi nhận tại khu vực đập Thảo Long triều cường dâng gần 2m.

Thống kê ban đầu, bão số 13 đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa gây thiệt hại về người, một số nhà không kiên cố bị gió bão làm tốc mái, một số cây xanh bị gió quật làm bật gốc, gãy đổ.

Trong đêm mưa bão ngày 14/11, lực lượng chức năng đã huy động 2 xe cứu thương kịp thời đưa 2 sản phụ ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy và ở phường Tây Lộc, thành phố Huế đến Bệnh viện Trung ương Huế để sinh nở.

Trước đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện việc di dời 21.126 hộ dân với 71.455 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn và người dân được yêu cầu không ra ngoài đường từ 12 giờ ngày 14/11 để chủ động ứng phó với bão số 13./.

Tin liên quan
Tin khác