Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu hoàn thiện phương án xử lý dứt điểm dự án DQS. (Ảnh: VGP). |
Tại cuộc họp ngày 19/10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các bộ ngành, ngân hàng phải thống nhất được phương án xử lý dứt điểm với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
Đây là 1 trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương.
Phương án tái cấu trúc Nhà máy đóng tàu Dung Quất để doanh nghiệp này tiếp tục sản xuất kinh doanh, phát huy giá trị tài sản vẫn đang còn là phương án hợp lý, được các cơ quan thống nhất cao tại Hội nghị.
Việc tái cơ cấu này vừa đỡ thiệt hại nhất cho ngân sách nhà nước, đồng thờ., phát triển kinh tế biển.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, để phương án tái cơ cấu bảo đảm khả thi cho DQS cần làm rõ giải pháp về xử lý tài chính bảo đảm chặt chẽ; cần rà soát lại các cơ chế, quy định về xử lý tài chính (liên quan đến nợ gốc, lãi vay, lãi phạt) để có phương án phù hợp.
"Trong trường hợp có phương án khả thi tái cơ cấu DQS cũng cần làm rõ kế hoạch, lộ trình để triển khai thực hiện", ông Đông nêu.
Theo đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), việc đưa nhà máy này hoạt động lại sẽ đỡ tổn thất hơn so với phương án phá sản, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, Ngân hàng VDB đề nghị PVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phải đưa ra được phương án tái cơ cấu hợp lý, hợp pháp và khả thi.
Cho rằng, tái cơ cấu lại DQS là cần thiết, nhưng về vấn đề thanh lý tài sản, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, DQS và PVN làm việc với các chủ nợ để thống nhất phương án xử lý bảo đảm hợp pháp và hài hòa.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phương án tái cơ cấu DQS là hoàn toàn phù hợp, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của PVN nói chung cũng như sự phát triển của công nghiệp đóng tàu đất nước.
Việc đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý là cần thiết, tuy nhiên PVN cần tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành liên quan đề xuất các biện pháp theo các cơ chế đã có tiền lệ và dễ triển khai thực hiện… Đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu đề hoàn thiện, trình phương án tái cơ cấu DQS thực sự thuyết phục.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói "chưa hài lòng" khi các phương án được trình không được giải thích rõ ràng, chưa làm rõ những căn cứ để cấp có thẩm quyền, xem xét cho ý kiến.
Ông yêu cầu PVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phải lý giải, thuyết phục với từng phương án trình lên cấp có thẩm quyền.
Về phương án, Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, PVN nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng tại cuộc họp đề hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Công ty Đóng tàu Dung Quất.
"Tập trung thời gian, hoàn hiện hồ sơ, đề án, trình sớm, để kịp thời gian Thường trực Chính phủ họp, cho ý kiến chỉ đạo. Trong đề án phải đánh giá chi tiến từng phương án (chuyển đổi chủ sở hữu; phá sản; cơ cấu lại DQS); giải trình rõ phương án nào có thể thực hiện, phương án nào không thể triển khai; đánh giá ưu, nhược điểm để đề xuất phương án tốt nhất", Phó thủ tướng yêu cầu.
Tại cuộc họp, đa số các ý kiến đều đồng tình lựa chọn phương án cơ cấu lại DQS, Phó Thủ tướng nêu rõ: Nếu lựa chọn phương án này thì phải đánh giá đầy đủ về sự cần thiết, tiềm năng, lợi thế phát triển, làm rõ các yếu tố vượt trội, xu hướng phát triển, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của phương án, đảm bảo thuyết phục, khả thi, đúng pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Đối với giải pháp xử lý tài chính khi thực hiện cơ cấu lại DQS, Phó thủ tướng yêu cầu PVN và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải lý giải trực diện vào vấn đề, căn cứ vào các quy định của pháp luật phân loại rõ danh mục từng khoản (tài sản có và tài sản nợ) đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo quy định; số liệu, căn cứ phải rõ ràng, thuyết phục.
Tinh thần là những tài sản nào không khai thác được thì thanh lý hoặc tạm thời khoanh lại chờ thanh lý sau, nếu có giải pháp khả thi, giải quyết được vấn đề xử lý tài chính thì tái cơ cấu DQS là phương án tốt nhất.
Nhà máy Đóng tàu Dung Quất được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập từ năm 2006, vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng, sau này được chuyển về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào tháng 7/2010, với khoản nợ phải trả lên đến gần 7.500 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn điều lệ của nhà máy..
Sau khi DQS chuyển về, PVN đã đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng để hỗ trợ thanh toán các khoản nợ vay, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, tài chính, sản xuất… nhưng nhà máy này vẫn trong tình trạng mất cân đối tài chính, vẫn còn tranh chấp hợp đồng, số nợ phải trả lớn, vốn chủ sở hữu âm...