Thời sự
Hoàn thiện thể chế tạo “đòn bẩy” kiến tạo phát triển
Nguyễn Lê - 28/11/2021 08:15
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh vào chương trình kỳ họp bất thường cuối năm nay.
Việc ban hành một luật sửa 10 luật nhằm hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ  vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu kép.


Yêu cầu từ thực tiễn

Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn là nhận định được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ khi báo cáo tình hình kinh tế, xã hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV vừa qua.

Trong bối cảnh đó, cả đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về sự cần thiết phải có gói chính sách tài khóa, tiền tệ đủ lớn để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Việc này đang được tính toán hết sức thận trọng để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp bất thường (dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 12/2021, đầu tháng 1/2022).

Nhưng, doanh nghiệp không “xin” tiền, doanh nghiệp cần cơ chế phù hợp là thông điệp đã khá quen thuộc tại nhiều diễn đàn. Người đứng đầu Chính phủ cũng từng khẳng định, xây dựng và hoàn thiện thể chế là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển.

Bởi thế, một trong những nội dung được Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (một luật sửa 10 luật).

Ở phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hồ sơ dự án luật đã được gửi cơ quan của Quốc hội để phục vụ quá trình thẩm tra.

Về sự cần thiết ban hành luật, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, trùng chéo, hoặc chưa đầy đủ, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai, quy hoạch, ngân sách, tài sản công, thuế… theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động tích cực sửa đổi, hoàn thiện; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp; trường hợp cần thiết ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc nghị quyết thí điểm đối với những bất cập khi chưa sửa luật, những vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong luật hoặc đã có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn”.

Hồ sơ dự án luật cũng thuyết minh những yêu cầu cần được tháo gỡ ở từng dự án luật. Chẳng hạn, liên quan đến Luật Đầu tư công, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại các điểm b, c và d, khoản 4, Điều 17 và Điều 25 theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án nhóm B, nhóm C và việc thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài sau khi phê duyệt đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là cần thiết, để làm căn cứ cơ quan chủ quản thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung “doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại khu công nghiệp sinh thái” vào đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 15 Luật Đầu tư.

Còn nhiều chính sách khác được đề xuất sửa đổi, bổ sung, song tựu trung là việc ban hành một luật sửa 10 luật nhằm hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng.

Đồng hành gỡ khó

Nhiều lần đề cập dự án một luật sửa 10 luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 41 vấn đề Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung, có 18 vấn đề các cơ quan của Quốc hội chưa nhất trí. Ông cũng lưu ý, tới đây, phải khắc phục 2 khuynh hướng: một là bảo thủ, sai mà không sửa; hai là cứ kêu ca, cứ đổ thừa cho cơ chế, trong khi không phải khó khăn nào cũng do quy định của luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) cần báo cáo các đại biểu Quốc hội thật công khai, minh bạch về quá trình rà soát các vấn đề liên quan đến dự án một luật sửa 10 luật. Yêu cầu này đã được thực hiện. Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật gây vướng mắc, cản trở trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã được Ủy ban Kinh tế gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Tại đây, Ủy ban Kinh tế cho biết, ngay sau Công điện số 1079/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/8/2021 về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, căn cứ lĩnh vực phụ trách, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ động tổ chức nghiên cứu, cho ý kiến đối với một số nội dung liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) năm 2020, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Theo Ủy ban Kinh tế, chỉ nên xem xét việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các nội dung mà các cơ quan của Quốc hội đã thống nhất ý kiến với Chính phủ là có mâu thuẫn, chồng chéo và thực sự gây vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật hoặc chưa được điều chỉnh trên thực tiễn.

Đối với nội dung của các văn bản pháp luật còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chủ yếu do nhận thức, tổ chức thực hiện hay do kỹ thuật thể hiện trong văn bản mà không làm ảnh hưởng đến bản chất của vấn đề, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành đối với các văn bản quy pham pháp luật này để có cơ sở kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

“Cần phải tập trung nguồn lực, thời gian cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cấp thiết hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay”, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

Được biết, ngay trong tuần này, Chủ tịch Quốc hội dành 2 ngày để làm việc với các cơ quan của Quốc hội về các nội dung của kỳ họp bất thường, trong đó có dự án một luật sửa 10 luật.

Đầu tuần, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dù mỗi luật chỉ sửa một vài điều khoản, song vẫn cần rà soát cẩn trọng để không phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, cần thúc đẩy tiến độ dự án một luật sửa 10 luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, song cũng phải nghiên cứu cho thấu đáo.

Không cứng nhắc trong hoàn thiện thể chế

Đồng tình việc trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa 10 luật tại kỳ họp bất thường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, những gì vướng mắc về cơ chế luật pháp, thì cần được kịp thời tháo gỡ. Nếu dùng một luật sửa nhiều luật để gỡ được vấn đề đó thì nên ủng hộ, không nên cứng nhắc, miễn làm sao thể chế được hoàn thiện, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tưởng và giúp nền kinh tế phục hồi.
Tin liên quan
Tin khác