. |
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng số vốn đầu tư 21.800 tỷ đồng (khoảng 920 triệu USD).
Trong đó, có 5 dự án đô thị dịch vụ với số vốn hơn 15.800 tỷ đồng; 3 dự án công nghệp với số vốn hơn 5.300 tỷ đồng; 2 dự án nông nghiệp với 456 tỷ đồng và 1 dự án y tế là Trung tâm điều trị tim mạch và Ung thư chất lượng cao với tổng vốn là 150 tỷ đồng.
Bên cạnh trao quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ký ghi nhớ đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 435.000 tỷ đồng (tương đương 18,5 tỷ USD).
Trong đó, chiếm số lượng vốn đăng ký nhiều nhất là 2 dự án liên quan đến công nghiệp với số vốn đăng ký hơn 392.000 tỷ đồng; 3 dự án liên quan đến nông nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 880 tỷ đồng và 6 dự án liên quan đến du lịch với tổng số vốn đăng ký hơn 42.000 tỷ đồng.
Được biết, trong những năm qua, Bình Thuận luôn được biết đến là địa phương thu hút dòng vốn mạnh mẽ từ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, năng lượng sạch... Các dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế tỉnh tăng 8,46%, thu ngân sách đạt 4.745 tỷ đồng, tăng 30,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2018, lượng khách đến du lịch đạt khoảng 5,7 triệu lượt, tăng 12,08% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 12.864 tỷ đồng, cao hơn 18,98% so với năm trước.
Với vị trí liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận hội tụ nhiều thuận lợi, tài nguyên đa dạng, bờ biển dài, có số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định.
Đặc biệt, hiện hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh dần hình thành và đồng bộ, Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến vận hành trong giai đoạn 2020 - 2021. Riêng Bình Thuận sẽ có ba tuyến cao tốc gồm Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Cam Lâm dự kiến khởi công vào cuối năm 2019. Sân bay Phan Thiết cũng sớm thi công trong thời gian tới.
Đồng thời, cảng Quốc tế Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu với tải trọng lên đến 50.000 DWT đã đi vào hoạt động, cùng với các công trình giao thông trọng điểm sẽ kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nâng cao hiệu quả của hệ thống dịch vụ logistics.