Công khai hoạt động, giám sát chặt chẽ
Chủ dự án nhận chìm chất nạo vét nói trên là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.
Trước đó, tháng 4/2023, chủ dự án đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về dự án này.
Loại vật, chất được cấp phép nhận chìm của dự án nói trên có nguồn gốc từ việc nạo vét tại khu vực xây dựng công trình đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Chân Mây, thuộc dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2; thành phần của chất nạo vét chủ yếu là bùn (sét rất dẻo, màu xám xanh, xám ghi, trạng thái chảy) và cát bụi, màu xám ghi, kết cấu rời rạc.
Tỷ lệ bùn sét chiếm 83,7%, cát chiếm 16,3%. Chất nạo vét được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quá quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích là 49 ha trong khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-UBND ngày 23/3/2023.
Sà lan chở chất nạo vét thuộc dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây kè chắn sóng cảng Chân Mây ra khu vực biển nhận chìm. Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp. |
Vị trị nhận chìm được giới hạn bởi các điểm góc cụ thể, có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển sử dụng để nhận chìm kèm theo Giấy phép được cấp; độ sâu sử dụng từ 30m đến 31m tính từ mức “0” hệ cao độ quốc gia.
Theo giấy phép, phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm được sử dụng xáng cạp dung tích từ 6 m3 đến 12 m3, sà lan tự hành 1.000 tấn (dung tích 654 m3), tàu kéo đẩy có công suất 1.200 CV (mỗi sà lan vận chuyển 3 chuyến/ngày); nhận chìm trung bình khoảng 7.879 m3/ngày, tối đa 14.400 m3/ngày; nhận chìm vật chất nạo vét theo hình thức xả đáy; thời hạn và thời điểm thực hiện hoạt động nhận chìm này là 18 tháng, kể từ ngày được UBND tỉnh cấp Giấy phép nhận chìm ở biển.
Chủ dự án nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định tại Thông tư 105/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển và các khoản phí theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, chủ dự án phải bố trí đủ kinh phí để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường trong quá trình thực hiện nhận chìm gây ra; chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chủ đầu tư phải thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần vật chất được phép nhận chìm, sử dụng đúng phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định của Giấy phép; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện nhận chìm.
Công trình đê chắn sóng và luồng tàu cảng Chân Mây cần nhận chìm hàng trăm ngàn mét khối chất nạo vét. |
Trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí hoặc không đúng thành phần của chất nạo vét, hoặc khối lượng bị hao hụt trong quá trình vận chuyển vật chất nhận chìm hoặc một trong các thông số quan trắc, giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ dự án nói trên cũng được yêu cầu phải đăng ký các phương tiện chuyên chở vật chất nhận chìm đã gắn thiết bị giám sát hành trình với Cảng vụ hàng hải tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; thực hiện giám sát việc vận chuyển, nhận chìm và ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; lập phương án đảm bảo an toàn hàng hải trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; thực hiện thi công nạo vét, vận chuyển, nhận chìm chất nạo vét đảm bảo không ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong khu vực; chấp hành đúng quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển của Việt Nam.
Chủ dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để xảy ra sự cố
Cùng với đó chủ dự án phải thực hiện các nghĩa vụ cụ thể khác như chấp hành quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đảm bảo tính chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu, đánh giá và các kết quả tính toán, phân tích nêu trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm ở biển; tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nhận chìm trong suốt quá trình nhận chìm ở biển; không cản trở hoặc gây thiệt hại đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp ở biển của tổ chức, cá nhân khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, chương trình quản lý, giám sát môi trường, giám sát hành trình, vị trí, khối lượng chất nhận chìm phải được thực hiện theo các nội dung trong ĐTM…
Công tác quan trắc môi trường biển được tiến hành trong dự án nhận chìm hơn 480.808m3 chất nạo vét đầu tiên xuống biển Chân Mây. Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp |
Bên cạnh đó, chủ dự án cũng được yêu cầu thực hiện về quan trắc, giám sát, chế độ thông tin, báo cáo hàng tháng và sau khi kết thúc nhận chìm gửi báo cáo kết quả thực hiện nhận chìm, quan trắc, giám sát về Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải tỉnh cùng một số cơ quan liên quan và chính quyền địa phương.
Chủ dự án phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để xảy ra sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ, an toàn lao động; phải bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động nhận chìm của mình gây ra; phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư có sinh kế bị ảnh hưởng bởi hoạt động nhận chìm lập phương án đền bù và thực hiện hỗ trợ thỏa đáng, tạo sự đồng thuận từ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư trong trường hợp xảy ra sự cố, rủi ro môi trường gây thiệt hại tới cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên do quá trình thực hiện nhận chìm ở biển gây ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phước Bình, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến cuối tháng 5/2023, dự án nói trên diễn ra thuận lợi, đảm bảo các quy định của pháp luật, nội dung ghi trong giấy phép.
Chính quyền sở tại chưa thấy niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường
Trao đổi với chúng tôi vào sáng 1/6, một lãnh đạo xã Lộc Vĩnh (đề nghị không nêu tên) cho biết, UBND xã chỉ nhận được Giấy phép và Quyết định giao khu vực biển của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (chủ dự án) để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển, mà chưa thấy chủ dự án niêm yết công khai kế hoạch, các thông tin khác như Giấy phép.
Theo Giấy phép, chủ dự án phải lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của Dự án tại UBND xã Lộc Vĩnh và tại trụ sở Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp; thông báo về thời gian bắt đầu nhận chìm, thông tin về các phương tiện vận chuyển, thông tin về đơn vị thi công, đơn vị giám sát thi công nạo vét, nhận chìm, giám sát môi trường với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng liên quan trong đó có UBND xã Lộc Vĩnh để làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Giải thích việc chưa niêm yết kế hoạch, thông tin như phản ánh của lãnh đạo xã Lộc Vĩnh, ông Đặng Phúc Hiền, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Khu vực Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh nói rằng, cơ quan ông đã gửi các văn bản, hồ sơ liên quan cho chính quyền xã Lộc Vĩnh. Còn việc vì sao chưa niêm yết thì để ông kiểm tra lại (!).