Dự án thi công cảng cá Tư Hiền, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát sinh hàng chục ngàn mét khối thải chưa có phương án xử lý tối ưu Ảnh: Đ.H |
Phát hiện bất thường sẽ dừng ngay việc nhận chìm
Như Báo Đầu tư đã phản ánh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 622/QĐ - UBND về việc “Phê duyệt khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế” với tổng diện tích 800 ha, trong đó phân làm hai khu vực triển khai trên vùng biển ngoài khơi vùng biển Chân Mây - Lăng Cô, thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc. Phạm vi rộng, tác động đến ngư trường, vùng biển của 6 xã, thị trấn trong vùng và với 6,8 triệu m3 nhận chìm trong giai đoạn đầu, đây là vấn đề rất nhạy cảm liên quan đến môi trường và sinh kế hàng ngàn hộ dân, ngư dân và môi trường đầu tư du lịch, kinh tế ven biển.
Liên quan vấn đề trên, kết quả khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, đông đảo người dân, nhất là hàng ngàn ngư dân 6 xã, thị trấn của huyện Phú Lộc (Lăng Cô, Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Vinh Hiền, Giang Hải và Vinh Mỹ), hầu như không hay biết việc tỉnh triển khai khu vực nhận chìm hàng triệu mét khối chất nạo vét ngay trên ngư trường truyền thống của bà con.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Thanh Bình đã đề nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phải thông tin rộng rãi với cộng đồng, người dân. Theo ông Bình, việc báo chí phản ánh hiện tượng trên là “hành động tốt và chính xác”, với tinh thần “làm sao đảm bảo sinh kế, việc làm ăn của người dân trong thi công”.
Không lâu sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 622 “Phê duyệt khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế” trên vùng biển ngoài khơi xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Thơ, Trưởng thôn Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh) đã tỏ ra bất ngờ về quyết định này. Ông Thơ cho biết, ông chưa từng nghe tới kế hoạch nhận chìm chất nạo vét ngoài biển và tỏ ra hoài nghi khi phóng viên nêu thông tin tỉnh đã ban hành quyết định nhận chìm hàng triệu mét khối chất nạo vét ngoài biển. Ông Thơ cho rằng, nếu có quyết định như vậy, cơ quan chức năng phải thông báo rộng rãi và họp bàn với người dân trước. “Tôi nghĩ chắc sắp tới xã sẽ có thông báo cho bà con chúng tôi, họp hành phổ biến kế hoạch này để chúng tôi nắm, bàn bạc, góp ý kiến chứ?”, ông Thơ băn khoăn.
“Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn luôn quan tâm vấn đề môi trường, khi triển khai nội dung này, chúng tôi đã làm rất kỹ, vì chúng ta cũng có những bài học rồi. Việc triển khai phải hết sức chặt chẽ, đấy là nguyên tắc. Quy định về cấp phép, đánh giá tác động môi trường, phải thực hiện rất chặt chẽ và UBND tỉnh sẽ ra quyết định. Liên quan đến nội dung thông tin vụ việc đã được báo chí phản ánh, trong quá trình tổ chức thực hiện, tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như chủ đầu tư phải thường xuyên có những đánh giá, báo cáo và thông tin đến cộng đồng, người dân để cho cộng đồng được biết”, Phó chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình nói.
Theo ông Bình, tỉnh đã có tính toán, thảo luận, nghiên cứu rất kỹ vấn đề nhận chìm chất nạo vét ngoài biển, chứ không phải cứ nhận chìm, rồi sau này mới tính.
“Phải làm đúng theo quy trình, quy định để không tác động đến môi trường sống xung quanh và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Liên quan đến việc nhận chìm chất nạo vét ngoài biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Đặng Phước Bình, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, quá trình triển khai, cơ quan này đã đánh giá hiện trạng, khảo sát và thực hiện các bước tuân thủ theo các văn bản luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan như Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015, Nghị định 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 28/2019/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Quy định kỹ thuật về đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam) để tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề cương “Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế” ngày 24/2/2022 và sau này là Quyết định “Phê duyệt khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế”…
Quá trình triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải… cùng các sở, ngành, địa phương liên quan. Sở và đơn vị tư vấn đã thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 28 để đảm bảo lựa chọn như vị trí, độ sâu phù hợp. Chẳng hạn, như độ sâu hơn 200 m để đảm bảo các tàu thuyền có tải trọng phù hợp hoạt động; khu vực nhận chìm đảm bảo các yếu tố như không phát tán chất phóng xạ, chất độc vượt quy chuẩn.
Liên quan Đề cương “Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Bình cho biết, “đã tham vấn cộng đồng dân cư” và sau đó đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định “Phê duyệt khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế”… Theo quy định, để cấp phép nhận chìm, chủ đầu tư phải ban hành kế hoạch thực hiện, số hiệu, công suất tàu được đăng ký, loại vật, chất, khối lượng nhận chìm không vượt quá 14.400 m3/ngày. “Trong thời gian thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thường xuyên tiến hành quan trắc các thông số kỹ thuật, môi trường biển và sau khi chủ đầu tư thực hiện nhận chìm, Sở cũng sẽ quan trắc để đối chiếu, nếu phát hiện những bất thường, những thông số vượt quy chuẩn thì sẽ cho dừng ngay”, ông Đặng Phước Bình nêu.
Nhiều tàu thuyền, sà lan tập trung nạo vét, đưa chất nạo vét ngoài biển vào tập kết chung quanh cảng Chân Mây năm 2018. Ảnh: Lê Nguyễn |
Thường xuyên quan trắc
Liên quan đến quyết định của tỉnh Thừa Thiên Huế về việc nhận chìm chất nạo vét ngoài biển trên vùng biển của tỉnh, trao đổi với chúng tôi, PGS-TS. Hoàng Công Tín (Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Trưởng Nhóm nghiên cứu mạnh về Tài nguyên, Môi trường và Sinh thái vùng ven biển Đại học Huế), người từng tham gia phản biện Đề cương “Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế” cho rằng, nhu cầu nạo vét của các dự án tại khu vực cảng Chân Mây rất lớn, ước tính khoảng hơn 6 triệu m3.
Tuy nhiên, việc sử dụng vật chất nạo vét ở khu vực này để sử dụng san lấp mặt bằng trên đất liền không khả thi vì nền đáy chủ yếu là bùn. Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất để chứa vật chất nạo vét khu vực này gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc nhận chìm vật chất nạo vét ngoài biển là giải pháp phù hợp. Vì vậy, các cơ quan quản lý của tỉnh đã tiến hành đánh giá xác định sơ bộ khu vực có thể nhận chìm chất nạo vét bằng phương pháp thu thập, tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu. Sau đó, tiến hành đánh giá chi tiết các vị trí đề xuất nhận chìm chất nạo vét như đánh giá các đặc trưng, đặc tính vật lý, hóa học, sinh học của các vị trí đề xuất nhận chìm chất nạo vét; đánh giá tác động tiềm tàng của hoạt động nhận chìm chất nạo vét tới tài nguyên, môi trường biển vị trí đề xuất nhận chìm và vùng lân cận.
Nghiên cứu đã mô phỏng quá trình lan truyền vật chất nạo vét và các ảnh hưởng tới tài nguyên môi trường biển và hải đảo bằng mô hình Mike; đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động nhận chìm chất nạo vét tới các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển theo các quy định hiện hành.
Theo ông Tín, việc nhận chìm chất nạo vét ngoài biển có thể gây tác động đến môi trường, hệ sinh thái biển, sinh kế của người dân và các hoạt động kinh tế, du lịch trong khu vực, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà nhiều tỉnh, thành phố ven biển đang phải đối mặt.
Để hạn chế những tác động tiêu cực của các hoạt động nhận chìm chất nạo vét đối với các lĩnh vực này, theo ông Tín, là cần tăng cường đánh giá tác động môi trường và các hoạt động nhận chìm chất nạo vét phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo không có các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái biển. Do đó, cần tăng cường tần suất quan trắc chất lượng nước và khảo sát điều tra các hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, đánh giá tác động môi trường phải được tiến hành trước khi bắt đầu các hoạt động nhận chìm để đánh giá các tác động có thể xảy ra đối với môi trường, sinh kế, và các hoạt động kinh tế khác, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Cùng với đó là việc sử dụng các kỹ thuật nạo vét thân thiện với môi trường bằng các công nghệ xử lý nâng cao để giảm thiểu tác động của chất nạo vét đến môi trường; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của hoạt động nhận chìm chất nạo vét đến môi trường và các hoạt động kinh tế, du lịch trong khu vực.
“Cộng đồng ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động nhận chìm chất nạo vét ngoài biển và đảm bảo quy trình này được thực hiện theo cách bền vững, có lợi cho cả môi trường và cộng đồng địa phương. Đó cũng chính là vai trò của cộng đồng được quy định tại Điều 159, Luật Bảo vệ môi trường 2020”, ông Tín chia sẻ.