Điểm nóng
Hơn 80% hộ nấu rượu thủ công có nguy cơ đóng cửa
Nguyễn Phan - 03/05/2017 09:23
Nếu áp dụng đúng quy định, hơn 80% cơ sở, hộ nấu rượu thủ công hiện nay sẽ phải đóng cửa, vì thế, việc chủ động tháo gỡ cho người dân là rất cấp bách.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP TP Hà Nội kiểm tra rượu tại một nhà hàng

 

Gần 2 tháng qua, Hà Nội đã liên tục thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu. Bên cạnh việc siết chặt quản lý, thành phố cũng đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các hộ, cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống.

Làm hồ sơ cho các hộ nấu rượu

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, 2 tháng qua, toàn thành phố đã thành lập 692 đoàn liên ngành, chuyên ngành kiểm tra mặt hàng rượu, tập trung cao điểm tại các địa bàn có bệnh nhân ngộ độc rượu pha methanol. Đến nay, các đoàn đã kiểm tra gần 6.000 cơ sở, niêm phong gần 55.000 lít rượu, hàng nghìn chai rượu các loại; cảnh cáo, xử lý trên 720 cơ sở với số tiền phạt trên 1 tỷ đồng…

Trong quá trình siết chặt quản lý, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất, hộ nấu rượu thủ công, giúp các cơ sở này đảm bảo các quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 856 hộ sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó có 266 cơ sở sản xuất và 590 hộ kinh doanh rượu, song mới chỉ có 19/266 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, 3/266 cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), 2/266 hộ được cấp giấy phép sản xuất.

“Hầu hết các cơ sở nấu rượu thủ công khó đạt chuẩn để cấp đăng ký kinh doanh hay chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rượu. Đa số bà con ở nông thôn nấu rượu để lấy bã nuôi lợn nên nếu cứ không đủ điều kiện là yêu cầu không cho sản xuất thì sẽ đóng cửa hết, bà con cũng rất tâm tư. Vì thế, huyện đã rà soát, tập trung một số hộ nấu rượu có điều kiện ATVSTP tương đối tốt để làm hộ trung tâm, hướng dẫn họ, giúp họ đạt các tiêu chuẩn rồi từ đó thu mua của các hộ nấu rượu nhỏ lẻ để chưng cất lại nhằm tạo đầu ra cho bà con” - ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.

Ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, từ giữa tháng 4 này, UBND huyện đã giao các đơn vị trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sản xuất rượu trên địa bàn về hồ sơ giấy tờ theo quy định. “Cán bộ phải giải quyết giúp dân, không để từng hộ nấu rượu phải lên huyện làm hồ sơ. Nói đến thủ tục hành chính, người dân thường rất ngại nên với việc cử cán bộ về tận nơi như vậy, đa số người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh rượu đều sẵn sàng chấp hành đúng quy định” - ông Đặng Đức Quỳnh nhấn mạnh.

Kêu gọi người dân tố giác thực phẩm “bẩn”

Theo ông Nguyễn Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, quản lý rượu thủ công hiện còn rất khó khăn. “Với rượu truyền thống, qua cảm quan, thậm chí xét nghiệm vẫn đạt chất lượng nhưng chiếu theo quy định pháp luật, thủ tục hành chính thì đa số không đạt. Do đó, mô hình như huyện Thanh Trì đang triển khai là rất tốt và cần khuyến khích nhân rộng” - ông Nguyễn Ngọc Tụ chia sẻ.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, quan trọng là phải hướng dẫn, hỗ trợ để giúp những cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ nấu rượu làm đúng quy định pháp luật. Cùng đó, phải yêu cầu 100% cơ sở cam kết đảm bảo ATVSTP và phấn đấu 100% cơ sở đều được kiểm tra. 

Theo ông Trần Văn Chung, trong bối cảnh việc quản lý rượu nấu thủ công, các cơ sở pha chế rượu vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ tiếp tục xảy ra các ca ngộ độc methanol là khó tránh khỏi. “Đặc biệt, hiện khoảng 40% thực phẩm tiêu dùng ở Hà Nội vẫn phải nhập từ bên ngoài nên việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rất khó khăn. Thành phố nhận định thời gian tới, số ca ngộ độc methanol vẫn có nguy cơ cao xảy ra. Vì thế, công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý mặt hàng này cần phải tiếp tục tăng cường. Sở Y tế cũng kêu gọi người dân cần chủ động, mạnh mẽ tố giác thực phẩm bẩn, rượu không an toàn” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, Cục ATTP đã yêu cầu tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn. Người tiêu dùng không nên mua và sử dụng rượu trôi nổi, không nhãn mác chưa công bố tiêu chuẩn. Các cơ quan chức năng phải thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm.

Tin liên quan
Tin khác