Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
Theo Thông tư, Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan và tổ chức (đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan và tổ chức) tại đơn vị sự nghiệp công lập. Hội đồng quản lý là đại diện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Thông tư số 12/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/01/2024.
Hội đồng quản lý có từ 5 đến 11 thành viên
Thông tư nêu rõ, Hội đồng quản lý có từ 5 đến 11 thành viên tùy thuộc vào đặc thù của từng đơn vị, trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý (Thư ký Hội đồng quản lý, các thành viên Hội đồng quản lý; tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó chủ tịch Hội đồng quản lý). Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 5 năm.
Cơ cấu thành viên của Hội đồng quản lý gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý là đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập (đại diện của bộ, cơ quan và tổ chức đối với đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, cơ quan và tổ chức; đại diện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở, Ban, đơn vị đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, Ban, đơn vị) hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có) do người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đại diện cơ quan quản lý cấp trên và cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập (trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản lý là đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập) hoặc đại diện lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập (trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản lý là đại diện cơ quan quản lý cấp trên, cấp trên trực tiếp); Thư ký Hội đồng quản lý. Đại diện cấp ủy đảng, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc (nếu có). Trường hợp không có tổ chức trực thuộc thì cử đại diện viên chức của đơn vị sự nghiệp tham gia Hội đồng quản lý. Đại diện của các tổ chức có lợi ích liên quan (nếu có).
Số lượng, cơ cấu, thành phần cụ thể của thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.
Hội đồng quản lý thực hiện nguyên tắc thảo luận tập thể, dân chủ, công khai
Theo Thông tư, Hội đồng quản lý thực hiện nguyên tắc thảo luận tập thể, dân chủ, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số trừ trường hợp Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý quy định tỷ lệ biểu quyết cao hơn; quyết định của Hội đồng quản lý được thể hiện bằng hình thức Nghị quyết.
Nghị quyết của Hội đồng quản lý được thông qua khi có trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của Hội đồng quản lý đồng ý. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì sẽ quyết định theo bên có phiếu của Chủ tịch Hội đồng quản lý. Các cuộc họp phải ghi thành biên bản, có ý kiến và chữ ký của các thành viên dự họp.
Trong trường hợp không tổ chức cuộc họp thì phải lấy ý kiến bằng văn bản của tất cả các thành viên Hội đồng quản lý để thống nhất quyết nghị. Chủ tịch Hội đồng quản lý ký ban hành nghị quyết, gửi đến các thành viên Hội đồng quản lý và cơ quan quản lý cấp trên chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp.
Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên, cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập trong Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Thành viên Hội đồng quản lý là công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị khác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; các thành viên Hội đồng quản lý là viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm và được xác định trong Đề án thành lập Hội đồng quản lý.
Mức thù lao, phụ cấp của các thành viên Hội đồng quản lý được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công lập.