Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát đang tăng lên, tỷ lệ nghịch với các khoản đầu tư vào năng lượng sạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực của toàn cầu trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu và năng lượng bền vững.
Báo cáo ước tính để có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thế giới cần đầu tư cho năng lượng sạch mỗi năm tăng ít nhất gấp 7 lần, từ mức chưa đầy 150 tỷ USD trong năm 2020 lên mức hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Cũng theo cơ quan trên, lượng khí carbon dioxide (CO2) liên quan đến năng lượng mà các nền kinh tế đang phát triển thải ra môi trường sẽ tăng thêm 5 tỷ tấn trong 2 thập kỷ tới, khiến đầu tư năng lượng sạch trở thành ưu tiên hàng đầu của thế giới.
Tuy nhiên, ông Birol cũng chỉ ra thực tế tình trạng thiếu vốn và thiệt hại về kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 đã cản trở cuộc chiến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Ông nêu rõ chỉ có 20% các khoản đầu tư vào năng lượng sạch đến được các nền kinh tế đang phát triển - vốn chiếm 2/3 quy mô dân số của thế giới, chiếm hơn 90% lương khí thải gia tăng. Do đó, có khoảng cách rất lớn giữa nơi có lượng khí phát thải nhiều với nơi mà dành đầu tư cho năng lượng sạch.
Chính vì vậy, báo cáo "Tài trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển" kêu gọi hành động toàn cầu, đặc biệt là những nước giàu, nhiều nguồn lực, để tạo ra sự khác biệt.
Giám đốc điều hành IEA cũng hy vọng tại cuộc họp thượng đỉnh, dự kiến diễn ra vào ngày 11/6 tới tại Anh, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), sẽ đưa ra mức viện trợ cao gấp nhiều lần con số 100 tỷ USD mỗi năm được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tháng trước, IEA cho rằng các nước không nên tiếp tục triển khai các dự án nhiên liệu hóa thạch mới nếu muốn đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050.