Năm 2020 đi qua với quá nhiều khó khăn và thách thức cho nền kinh tế cũng như cho các doanh nghiệp. Ngành dược từ lâu đã có tính phòng thủ tốt, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh thì có thể hưởng lợi ở một số khía cạnh nào đó theo nhận xét của nhiều người.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng trong tình hình của đại dịch lần này, các doanh nghiệp dược cũng phải gánh chịu những hệ lụy từ sự suy giảm chung của tổng cầu và thu nhập của người dân giảm sút.
Nhà máy IMP2 (IMEXPHARM) - một trong những nhà máy đạt chuẩn EU-GMP |
Trong năm vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp dược chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, nhưng không vì thế mà bức tranh ngành trở nên ảm đạm, vì vẫn có nhiều doanh nghiệp quản trị tốt rủi ro, kiểm soát chi phí và thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng tốt.
Trong hoàn cảnh đại dịch, ngành y tế nói chung và dược phẩm nói riêng đã hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp các sản phẩm điều trị và phòng dịch, bên cạnh đó Việt Nam còn xuất khẩu một số thiết bị y tế và thuốc sang các nước khác, đây là một tín hiệu đáng mừng và thắp lên kỳ vọng về sự phát triển của ngành y dược Việt Nam trong tương lai.
Đối với Imexpharm, từ năm 2019, tiếp cận tốt hơn với thị trường ETC nhờ vào các giải pháp riêng biệt cũng như các chính sách của nhà nước dần ưu tiên cho thuốc sản xuất trong nước.
Thị trường OTC năm 2020 gặp nhiều khó khăn do phải chịu tác động từ nhiều phía bao gồm: suy thoái kinh tế từ đại dịch, thị trường bước vào giai đoạn bảo hòa và Thông tư 02 về quản lý thuốc kê đơn tại nhà thuốc.
Sự biến động chi phí nguyên phụ liệu đầu vào cũng góp phần thêm những thách thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Imexpharm trong năm 2020, nhưng công ty đã chủ động ứng phó tốt thông qua công tác dự báo và tích trữ nguyên vật liệu. Nhờ đó mà lợi nhuận sau thuế của Imexpharm trong năm 2020 tăng trưởng tốt ở mức 29,1%.
Năm 2021, theo Bộ y tế thì khó có khả năng kiểm soát được dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm, cho nên ngành dược cũng như những ngành khác sẽ tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Imexpharm vẫn tin tưởng sâu sắc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Việt Nam cũng như sự phát triển bền vững và tăng trưởng ổn định của ngành trong dài hạn.
Quỹ tiền tệ quốc tế đã dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 6,6% trong 5 năm tới, do đó, với sự già hóa dân số hiện nay thì chi tiêu cho dược phẩm dự đoán sẽ tăng cùng với GDP và ngành dược Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng tốt.
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp dược trong nước đầu tiên sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn tiên tiến để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và góp phần thúc đầy sự phát triển ngành dược nước nhà. Theo nhiều chuyên gia dự đoán việc sử dụng các loại thuốc generic nội địa trong điều trị sẽ tăng trong giai đoạn sắp tới xuất phát từ việc chất lượng thuốc được cải thiện đáng kề và việc ưu tiên sử dụng thuốc nội của bộ Y tế.
Imexpharm nhìn nhận thách thức trong năm 2021 nhưng công ty cũng đầy lạc quan về một năm mới khi mà Imexpharm luôn có sự chuẩn bị để đối phó với những biến động thị trường cũng như luôn đi tiên phong trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để ngày càng nhiều người dân Việt có thể sử dụng thuốc đạt tiêu chuẩn hàng đầu trên thế giới với giá thành phù hợp với túi tiền của mình.