Bà Gita Gopinath, Nhà kinh tế trưởng của IMF |
Trong buổi họp báo trực tuyến công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath cũng dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 4,2% vào năm 2022.
Theo bà Gopinath, phần lớn sự phục hồi kinh tế hiện nay phụ thuộc vào kết quả của "cuộc đua" giữa những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và vaccine nhằm chấm dứt đại dịch, cũng như khả năng của các chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Theo bà, việc IMF điều chỉnh tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 đã phản ánh tác động tích cực của việc triển khai chương trình tiêm chủng tại một số quốc gia bên cạnh việc chính phủ một số nước như Mỹ và Nhật Bản ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế và người dân vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh vẫn tồn tại sự không chắc chắn lớn và triển vọng rất khác nhau giữa các quốc gia.
Theo nhà kinh tế hàng đầu của IMF, đại dịch COVID-19 dư kiến khiến GDP toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2025 mất 22.000 tỷ USD.
Báo cáo của IMF cũng điều chỉnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2021, theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, thấp hơn 0,1% so với mức dự báo được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 10.
Thể chế tài chính này cũng chỉ rõ nền kinh tế Trung Quốc đã quay trở lại mức dự báo trước thời kỳ dịch bệnh vào quý IV/2020, trước tất các nền kinh tế lớn khác.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF cũng đánh giá gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất có thể đẩy sản lượng kinh tế Mỹ tăng 5% trong vòng 3 năm tới.
Bà Gopinath cho hay các biện pháp trong gói tài chính này nhiều khả năng giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng thêm 1,5% trong năm 2021, trong khi IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng lên 5,1% sau mức giảm 3,4% trong năm 2020.
Đối với Nhật Bản, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 nước này thêm 0,8% lên 3,1%, trong khi đó, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tới 11,5%, cao hơn 2,7% so với dự báo trước đó.
Tại châu Âu, khu vực đang phải áp đặt các biện pháp siết chặt gắt gao nhằm ứng phó với số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) 1% xuống còn 4,2%, với sự suy giảm đáng kể tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy.
Dù Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận thương mại vào phút chót trước khi Anh chính thức rút khỏi EU, song IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của "xứ sở sương mù" sẽ giảm 1,4%, xuống 4,5% trong năm nay.