Theo ông Hartarto, việc trở thành thành viên của hiệp định thương mại này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu của Indonesia. Ngoài ra, khi tham gia CPTPP, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Indonesia sẽ được bảo vệ tốt hơn dựa trên những quy định cạnh tranh mà hiệp định này đặt ra.
Và đây là điều mà Chính phủ Indonesia kỳ vọng trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp tới 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài ra, quan chức này khẳng định việc tham gia CPTPP sẽ đem lại lợi ích về thương mại đối với Indonesia, khẳng định Indonesia muốn có các thỏa thuận thương mại tự do với nhiều nước.
Ông Hartarto nhấn mạnh Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục thực hiện cải cách và ưu tiên chuyển đổi kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ thuật, trong đó thúc đẩy kinh tế số và kinh tế xanh, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài làm ăn kinh doanh tại Indonesia.
Theo Bộ trưởng Hartarto, Indonesia hiện đã hoàn thành các quy trình nội bộ để đệ trình đơn xin gia nhập CPTPP.
Hồi tháng 7/2023, tại một cuộc họp cấp bộ trưởng ở Auckland, New Zealand, các nước thành viên CPTPP đã chính thức phê duyệt Anh tham gia hiệp định. Theo đó, Anh trở thành thành viên mới đầu tiên và quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia CPTPP kể từ khi hiệp định này được ký kết năm 2018.
Trước khi Anh gia nhập, CPTPP gồm 11 quốc gia thành viên là Singapore, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand.