Thông tin này được bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada đưa ra tại buổi Đối thoại với Hải quan Việt Nam nhân kỷ niệm 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Việt Nam do Tổng Lãnh sự quán Canada tại TP.HCM phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 28/3.
Cụ thể, theo bà Quỳnh, số liệu thống kê về kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Canada và Việt nam đang có sự chênh lệch từ 3,5 – 4 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu do khi giao thương, doanh nghiệp vẫn còn trung chuyển qua Hoa Kỳ nhiều.
Đây cũng là lý do vì sao tỷ lệ tận dụng CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường Canada rất thấp, không khai thác hết được các quy tắc xuất xứ, xuất khẩu.
“Với khoảng gần 10 tỷ USD xuất khẩu, chỉ có 18% trong số đó tận dụng, sử dụng form xuất xứ CPTPP, còn lại tới 80% vẫn sử dụng các form cũ”, bà Quỳnh thông tin.
Điều này dẫn tới thất thoát khoảng 4 tỷ USD giá trị xuất khẩu không khai thác được lợi ích về thuế. Đồng thời, người tiêu dùng tại Canada sẽ phải trả đắt hơn 400 triệu USD cho hàng Việt Nam. Tức là các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang bán đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Đối thoại với Hải quan Việt Nam nhân kỷ niệm 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Việt Nam. |
Thông tin chi tiết hơn, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, đến tháng 12 năm nay, Việt Nam sẽ không còn được hưởng ưu đãi 0% thuế dành cho các nước có thu nhập thấp nữa. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu doanh nghiệp không tận dụng được CPTPP, hàng Việt Nam tại thị trường Canada sẽ bị giảm mạnh sức cạnh tranh về giá so với các nước vẫn còn được ưu đãi như Indonesia, Campuchia...
“Nếu không tận dụng được CPTPP, sản phẩm dệt may sẽ phải trả thuế từ 5- 18%, da giày trả thuế từ 5 – 15%, dẫn đến sản phẩm đắt hơn 10 – 18% so với các nước vẫn đang được ưu đãi 0% thuế”, bà Quỳnh nêu ví dụ.
Để giúp doanh nghiệp tận dụng CPTPP tốt hơn, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh, doanh nghiệp cần hiểu và áp dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp.
Nguyên tắc cộng gộp cho phép các nước TPP tính gộp cả những nguyên liệu đến từ những nước TPP khác vào hàng hóa cuối cùng và vẫn được coi là sản phẩm nội vùng, bao gồm cả trường hợp hàng hóa đến từ một nước TPP được gia công thêm hoặc bổ sung thêm giá trị gia tăng ở một nước thứ hai.
Với nguyên tắc xuất xứ cộng gộp, doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các địa bàn có trong cùng một hiệp định thương mại với thuế suất bằng 0. Hiện các doanh nghiệp Canada cũng rất quan tâm tới việc sử dụng nguyên liệu đầu vào có sử dụng form CPTPP để sản xuất xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc tận dụng CPTPP cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược logistic bởi các điều khoản trung chuyển cởi mở hơn rất nhiều các hiệp định thương mại khác. Ví dụ thay vì xuất khẩu xuyên Thái Bình Dương, doanh nghiệp có thể trung chuyển qua Atlantic, đi vào bờ Đông của Canada để có chi phí thấp hơn.
“Khi có các hiệp định thương mại, chúng ta không chỉ khai thác về thuế mà còn cần nghĩ tới những yếu tố mở hơn như cơ hội mà các hiệp định thương mại mở ra cho chúng ta trong cách tiếp cận thị trường, đa dạng hóa chiến lược đầu tư ở nước ngoài” bà Quỳnh nhấn mạnh.