Thời sự
Industry 4.0 Summit 2021 sẽ có 10 hội thảo chuyên đề, kéo dài 1 tháng
Khánh An - 06/11/2021 12:06
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 năm 2021 (Industry 4.0 Summit 2021) sẽ bắt đầu từ ngày 9/11/2021 và kết thúc với Phiên toàn thể cấp cao, diễn ra vào ngày 6/12/2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ chủ trì Phiên toàn thể của Diễn đàn. Năm nay, Diễn đàn có chủ đề Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số. 

Trao đổi thông tin cho báo chí trước thềm sự kiện, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, phiên toàn thể cấp cao tập trung đi sâu phân tích và làm rõ định hướng chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số; tương lai kinh tế toàn cầu sau đại dịch; đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid -19; chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số và đề xuất về mô hình và định hướng chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh mới”, ông Hiển thông tin.

Trước đó, chuỗi 10 hội thảo chuyên đề được tổ chức xuyên suốt trong tháng 11/2021, theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến qua các đầu cầu. 10 chủ đề sẽ được thảo luận, với sự chủ trì của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành liên quan. 

Một là, tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hai là, phát triển sản xuất thông minh. Ba là, phát triển đô thị thông minh. Bốn là, phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới. Năm là, phát triển các mô hình kinh doanh mới. Sáu là, xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số. Bảy là, phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; Tám là, chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số. Chín lá, chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn. Mười là, phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, các nội dung ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia và các nhà khoa học tại Diễn đàn sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.

Dự kiến, sẽ có khoảng 100-150 đại biểu tam gia trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hài Nội) và khoảng 2.000 đại biểu dự trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, các điểm cầu trong nước và quốc tế kết nối trực tuyến qua internet.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 với sự chủ trì của Ban kinh tế Trung ương hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Bên cạnh các phiên hội thảo chuyên đề, trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra hoạt động Triển lãm ảo các mô hình, sản phẩm, công nghệ 4.0, kết quả chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực… và hoạt động Kết nối đầu tư công nghệ dành cho các các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các công nghệ số. 

Tin liên quan
Tin khác